(GLO)- Theo chương trình đề ra, chiều 29-5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ đối với 2 nội dung Bộ Luật Lao động sửa đổi và việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động Quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi có nhiều thay đổi lớn, trong dự luật có bố cục 17 chương, gồm 221 điều, giảm 21 điều so với luật hiện hành; trong đó đã sửa đổi, bổ sung 162 điều trong tất cả các chương, sửa đổi 2 điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị ban soạn thảo phải thận trọng, cân nhắc vì Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi tác động đến rất đông người lao động, đặc biệt đối với các quy định mới như tăng giờ giờ làm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm hay lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu ở nữ là 60, đối với nam là 62.
Đại biểu Bùi Văn Cường-Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Vũ Định |
Liên quan đến đề xuất tăng giờ làm tối đa lên 400 giờ/ năm, các đại biểu cho rằng đề xuất này cần được xem xét toàn diện trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, các hệ luỵ đi kèm như: thất nghiệp, mất an toàn lao động, tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm, bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động. Xu thế của thế giới hiện nay là tăng lương, giảm giờ làm và nhằm hài hoà lợi ích của đôi bên. Đại biểu Bùi Văn Cường-Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề xuất ban soạn thảo luật nên cân nhắc việc tăng giờ làm phải dựa trên sự tự nguyện của người lao động, đồng thời có quy định về mức lương luỹ tiến nhằm cân đối lợi ích giữa 2 bên và người sử dụng lao động cũng phải cân nhắc khi tổ chức tăng giờ làm việc.
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp-Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu đưa ra phương án phù hợp đối với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Dự thảo quy định tuổi nghỉ hưu ở nữ là 60 tuổi, đối với nam là 62 tuổi không nhận được sự đồng tình của phần lớn người lao động. Vì vậy, đại biểu đề xuất ban soạn thảo có phương án quy định độ tuổi tối thiểu được nghỉ hưu và tối đa phải nghỉ hưu đối với nam và nữ hoặc cả nam và nữ để đảm bảo bình đẳng giới, sự tự nguyện của người lao động.
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp-Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Vũ Định |
Đại biểu Bùi Văn Cường nêu quan điểm đối với quy định về ngày nghỉ Tết Âm lịch; đồng thời cũng tán thành với đề xuất tăng thêm ngày nghỉ trong năm và đề xuất nghỉ vào Ngày gia đình Việt Nam 28 tháng 6. Đối với quy định tổ chức đại diện cho người lao động, đại biểu đề nghị cần thận trọng, các quy định cần phải đảm bảo để đạt được mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người lao động đồng thời giữ vững an ninh chính trị, tuyệt đối tránh việc các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo tác động xấu đến kinh tế, chính trị. Vì vậy, đại biểu đề xuất ban soạn thảo chỉ nên quy định định mức số lượng tổ chức đại diện cho người lao động trong 1 công ty hoặc có áp dụng hình thức bỏ phiếu quá bán như một số nước trong khu vực, tránh tình trạng thành lập nhiều tổ chức trong doanh nghiệp.
Đối với dự thảo Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, đại biểu Bùi Văn Cường thống nhất vợi dự thảo. Tuy nhiên thực tế hiện nay, đại diện Công đoàn trong các công ty đều nhận lương từ người sử dụng lao động, vì vậy thực chất các thoả thuận lao động tập thể này vẫn chưa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và có chế định phù hợp, tối ưu nhất nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.
Vũ Định