Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

ĐBQH tranh cãi việc NSNN chi 4.730 tỉ đồng/năm cho miễn giảm học phí

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo Thường vụ Quốc hội về các chính sách mới. Ảnh: QH
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo Thường vụ Quốc hội về các chính sách mới. Ảnh: QH
Trong khi nhiều đại biểu ủng hộ chủ trương không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập nhưng lo ngại về vấn đề ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ khẳng định đủ tiền để miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở (THCS), hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập.
Bộ GDĐT khẳng định đủ tiền
Ngày 12.9, phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã trình bày các nội dung liên quan chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Liên quan đến chính sách mới này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu câu hỏi, Nghị quyết Quốc hội đã nêu rõ, trong thời gian trước mắt, không ban hành chính sách mới nếu ban hành chính sách mới phải cân đối nguồn lực. Với chính sách mới này, số tiền chi ra ngân sách là bao nhiêu, ngân sách có đảm bảo được không?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng có chung băn khoăn như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển về tác động chính sách mới với NSNN.
Trả lời câu hỏi của lãnh đạo Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Trong quá trình xây dựng, Bộ GDĐT đã tính toán tính khả thi về tài chính.
“Theo báo cáo tác động, chúng tôi đã phân tích, số tiền dành cho miễn học phí và cấp bù, hỗ trợ cho các đối tượng ngoài công lập nằm trong số tiền 20% của ngân sách tại thời điểm chúng tôi tính toán”, Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Theo đánh giá tác động, số tiền cần chi thêm mỗi năm là 4.730 tỉ đồng.
Số tiền cần chi thêm mỗi năm nếu thực hiện chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Số tiền cần chi thêm mỗi năm nếu thực hiện chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ việc cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo. Hiện nay tổng ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo theo Nghị quyết Quốc hội phê duyệt mỗi năm tăng từ 6% - 8%, xét về số tuyệt đối thì hàng năm ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo tăng từ 10.000 tỉ đến 13.000 tỉ đồng.
Như vậy, với số NSNN chi cho giáo dục hàng năm tăng thêm khoảng 13.907 tỉ đồng thì hoàn toàn có thể bù đắp kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí trường công lập diện phổ cập và hỗ trợ đóng học phí trường ngoài công lập, chưa kể số dự phòng ngân sách cho giáo dục hàng năm chưa sử dụng.
Loay hoay bài toán ngân sách
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ sự không đồng tình về chính sách này. Ông Hiển cho rằng, có những trường ngoài công lập học phí tới hàng triệu đồng một tháng, phụ huynh phải xếp hàng mới được vào... thì đối tượng này có cần hỗ trợ hay không? Ông Hiển cho rằng, chỉ cần hỗ trợ, miễn học phí cho học sinh vùng sâu, vùng xa, nông thôn hoặc người nghèo ở thành phố.
“Nếu thực hiện đại trà như thế này lại vi phạm nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó, mới chính sách miễn giảm học phí đã cần đến 4.730 tỉ đồng nhưng còn nhiều chính sách khác cũng cần ngân sách”, ông Hiển nói.
Về các nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh tại kết luận phiên họp, dự án Luật sửa toàn diện thì sẽ có nhiều chính sách mới. Nhưng những chính sách mới này cần được đánh giá rất bài bản, đầy đủ, sâu sắc và cần được dư luận đồng tình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.
“Nguyên lý là như thế, chính xác là như thế nhưng không quá 20% tổng chi NSNN hàng năm. 20% của năm nay và của năm sau là khác. Tổng chi khác nhưng mà ở đây là xã hội giáo dục. Vì vậy, đóng góp của xã hội, gia đình… cần tính cho hợp lý”, ông Lưu nói.
Về học phí, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trong Hiến pháp đã ghi giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học và mầm non. Đã là bắt buộc thì phải miễn học phí. Là đương nhiên thì phải bố trí kinh phí thế nào để thực hiện.
Còn đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, vì các trường ngoài công lập đang đào tạo đối tượng bắt buộc của chúng ta cho nên phải có chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho hợp lý, tùy từng điều kiện từng nơi, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Huyên Nguyễn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm