Việt Nam sẽ vượt qua dịch COVID-19 là điều chắc chắn, nhưng quan trọng hơn là phải kết thúc trận chiến này như thế nào, thắng “giặc” trong tình trạng đất nước không bị kiệt sức mới là điều chúng ta cần phải suy nghĩ và hành động. Không có cuộc chiến nào không có tổn thất, nhưng chúng ta cùng hành động để đi đến chiến thắng với tổn thương thấp nhất.
Chống dịch COVID-19, nhưng không thể lơ là trong việc chống lại sự suy thoái kinh tế. Trong ảnh: Công nhân nhà máy tấm lợp Đông Anh. Ảnh minh họa: HẢI NGUYỄN |
Chính phủ và toàn dân phải phải căng mình phòng chống dịch COVID-19, nhưng không thể lơ là trong việc chống lại sự suy thoái kinh tế, không để nhiều người thất nghiệp, vì một bộ phận công nhân, người lao động phải rời nhà máy. “Chống dịch như chống giặc”, và chống suy thoái cũng như chống giặc, bởi vì để cho nền kinh tế giảm sâu, thì sẽ có giặc đói xuất hiện, đây không phải là cảnh báo mà là hiện thực đối với bất cứ quốc gia nào.
Chính vì vậy, Chính phủ đã chủ động thực hiện một loạt biện pháp, chính sách chống suy thoái kinh tế, đảm bảo tăng trưởng. Các chính sách phải sớm đi vào cuộc sống, kịp thời và có hiệu quả, minh bạch và công bằng, đảm bảo đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách.
Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế như giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ, thuế đã được triển khai. Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2020 tổ chức chiều 1.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng là chưa đủ mà cần cao hơn nữa; gói tài khóa 30.000 tỉ đồng cũng cần nâng lên 150.000 tỉ đồng, thậm chí cao hơn.
Những thông tin này tăng thêm sinh khí cho cộng đồng doanh nghiệp, tăng thêm niềm tin cho những ai còn quá lo lắng bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, ngoài những việc Chính phủ đã làm và đang làm, thì doanh nghiệp cũng phải chủ động để vượt qua đại nạn này bằng chính năng lực của mình. Không thể cứ ngồi chờ Chính phủ hay ai đó đến giải cứu, sự hỗ trợ bên ngoài chỉ một phần, sống sót trên thương trường là bản lĩnh và trí tuệ của từng doanh nghiệp.
Đại dịch phủ lên toàn cầu, đại dịch tấn công lên nền kinh tế của từng quốc gia, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm cách tồn tại, lo được đời sống cho người lao động, đề ra chiến lược phát triển mới, tổ chức lại bộ máy quản trị, sẵn sàng cho một cuộc bứt phá sau khi hết dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng hình ảnh chiếc lò xo bị nén xuống hết mức, thì nó sẽ bung lên rất mạnh, để nói đến sự bứt phá của nền kinh tế Việt Nam, của cộng đồng doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19.
Nhưng để chiếc lò xo kinh tế bật mạnh lên sau đại dịch, cần có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, đồng thời phải có những thay đổi căn bản, nền tảng. Không có một nền móng vững vàng thì không thể xây cao ốc, không có đường băng thì không thể cất cánh phi cơ.
Khoa học công nghệ chính là chìa khóa để thay đổi. Ngay lúc này đây, sẵn sàng bỏ đi những cách vận hành cũ, công nghệ lạc hậu để lột xác. Ngay lúc này đây, hãy mở nhiều con đường kinh doanh để không bế tắc khi gặp cản trở, tìm nhiều đối tác hợp tác để không phụ thuộc vào một đối tác.
Hãy tính đến xây dựng một nền công nghiệp phụ trợ trong nước, đó là chiến lược lâu dài, ổn định, bền vững cho nền sản xuất nội địa. Nhưng để làm được điều này, không chỉ là việc của doanh nghiệp, mà là chính sách vĩ mô của nhà nước. Đây là lúc phải làm, không thể chậm hơn được nữa.
Và để cho chiếc lò xo kinh tế bật lên, ngoài chính sách của Chính phủ, bản lĩnh của doanh nghiệp, còn có một nguồn lực nữa, đó là sức mạnh từ hệ thống hành chính công. Hệ thống này là một nguồn lực quan trọng, thúc đẩy cho sự phát triển.
Các cơ quan nhà nước vận hành thông suốt và lành mạnh, công chức làm việc với tất cả trách nhiệm, không tham ô tham nhũng, không sách nhiễu hành dân thì sẽ tạo ra nguồn lực. Nền hành chính công trì trệ và cán bộ thoái hóa biến chất vẫn là mối lo lớn, hơn cả mọi loại dịch bệnh nào, hơn mọi con virus nào từng tấn công đất nước.
Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)