Kinh tế

Nông nghiệp

Để có nhiều hơn những nụ cười

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những người có mặt trong cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân, và hội nghị về cây mắc ca tại Đắk Lắk vào những ngày qua chắc sẽ còn nhớ nụ cười, những tràng pháo tay của người nông dân mặc bộ trang phục truyền thống dân tộc Tây Nguyên khi được nghe người đứng đầu Chính phủ giải đáp cặn kẽ các thắc mắc, tháo gỡ những vướng bận trong lòng.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu dự cuộc đối thoại lần thứ 3 với nông dân tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu dự cuộc đối thoại lần thứ 3 với nông dân tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Khát vọng một nền nông nghiệp hùng cường

Trong vòng chưa đầy một tuần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã liên tiếp có các hoạt động dành cho nông dân, kể từ cuộc thị sát và chủ trì hội nghị lớn về chống hạn mùa khô 2020-2021 cho ĐBSCL tại Tiền Giang vào thứ tư tuần trước và gần đây nhất là chủ trì 2 sự kiện lớn ở tỉnh trung tâm của vùng Tây Nguyên.

Dùng bữa ăn trưa nhẹ trên máy bay, khi chuyến bay thương mại VN1603 vừa hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột vào 13h15' ngày 28/9 sau 1 giờ 30 phút bay, Thủ tướng liền tới ngay hội nghị đối thoại với nông dân, dự định khai mạc vào 14h. Cái nắng, cái nóng của Tây Nguyên dường như không “nóng” bằng không khí háo hức chờ đợi của hàng trăm nông dân tiêu biểu từ các tỉnh trong cả vùng tập trung tại hội trường.

Hai lần đối thoại trước, Thủ tướng đã dành cho nông dân miền Bắc (vào tháng 4/2018 tại Hải Dương) và nông dân miền Nam (vào tháng 12/2019 tại Cần Thơ). Lần này, bà con nông dân miền Trung-Tây Nguyên có dịp đối thoại với Thủ tướng, nhưng trong bối cảnh đặc biệt, dịch COVID-19. Cuộc đối thoại đáng lẽ được tổ chức vào đầu tháng 8/2020, tuy nhiên do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên được dời đến cuối tháng 9, khi dịch đã được kiểm soát. Chờ đợi dài dường như đã làm cho tâm trạng háo hức càng tăng khi đây trở thành sự kiện quan trọng nhất đối với nông dân miền Trung-Tây Nguyên trong năm 2020.

Có lẽ vì thế, những câu hỏi đầu tiên được bà con đặt ra còn khá ngập ngừng, vấp váp, hồi hộp, mặc dù lúc khai mạc đối thoại, Thủ tướng đã động viên: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực sự muốn nghe những lời tâm huyết, kể cả lời trái tai của bà con, chứ không phải phát biểu được chuẩn bị sẵn, bài bản.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước còn nhiều trăn trở về các khó khăn của nông nghiệp, nông dân vì thế chúng ta cần tháo gỡ để làm sao nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong những bối cảnh đặc biệt như đại dịch COVID-19 đang diễn ra.

Phải chăng, lời “trung ngôn”, sự chân thành cùng với nhiệt huyết, cương quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đi đến cùng sự việc của Thủ tướng đã giúp ra nhiều chính sách giúp bà con nông dân xác định rõ mục tiêu, định hướng con đường đi và yên tâm sản xuất, kinh doanh. Hay nói cách khác, xuất phát từ phản ánh thực tiễn lao động, sản xuất của bà con, Thủ tướng đã ban hành chính sách đi vào cuộc sống, với phương châm làm chính sách cần trái tim nóng, cái đầu thông minh, bàn tay hành động.

Hơn 20 câu hỏi (trong tổng số hơn 1.400 câu hỏi gửi tới ban tổ chức để chuyển đến Thủ tướng) được bà con đặt ra trực tiếp tại hội trường đều là những vấn đề nóng, gai góc, từ giá cà phê xuống thấp, có chặt cây không… hay đến các vấn đề về tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường, vấn đề đất đai, vốn, chống tín dụng đen, di dân tự do… Và nhiều tràng vỗ tay đã vang lên sau những câu trả lời của Thủ tướng, như việc chỉ đạo xử lý nghiêm nạn phân bón giả, hay đan xen sự xúc động như các nông dân Võ Tuấn Tú, thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) và Lê Minh Quyền ( phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) khi nêu vấn đề về việc tháo gỡ khó khăn cho những người làm nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Không chỉ chia sẻ về các chính sách hỗ trợ, Thủ tướng bày tỏ, điều ông quan tâm trên hết là sự an toàn của ngư dân. Tại sao ngư dân các lồng bè ở Phú Yên, Khánh Hòa bị thiệt mạng nhiều trong các đợt bão giông? Đó là vì có những ông chủ lồng bè không cho lao động lên bờ. Thủ tướng kể lại câu chuyện đích thân ông đã đi kiểm tra, “yêu cầu anh nào mà giữ bà con lại khi bão lớn thì phải xử nghiêm”, “không lẽ đi làm, vì mấy đồng bạc cho mấy ông chủ lồng bè mà để chết dân, không thể được”.

“Bà con nông dân chúng ta một nắng hai sương, tần tảo, lo cuộc sống gia đình và sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp có sản lượng lớn”, giữ nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, Thủ tướng nói. “Một khát vọng Việt Nam hùng cường năm 2045 cũng chính là khát vọng của nền nông nghiệp Việt Nam, của tất cả người nông dân trên khắp mọi miền đất nước”. Nhưng nếu 65% dân số ở nông thôn không phát triển, đời sống vật chất, tinh thần không được nâng cao hơn nữa thì sự hùng cường ấy không thành công.

Với tinh thần đó, cuộc đối thoại đã mang lại nhiều nụ cười cho bà con nông dân, trong đó có chị Vi Thị Thanh (ở Bon Rơ Sông, xã Đăk RMăng, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông) hiện sản xuất kinh doanh tổng hợp, trồng cà phê. Trong bối cảnh nhiều cây công nghiệp chủ lực, truyền thống của Tây Nguyên như cà phê, cao su, hồ tiêu đồng loạt mất giá thì cây mắc ca được xem là một hướng đi mới. Nông dân Tây Nguyên đã đầu tư trồng mắc ca rất nhiều. Và theo phong trào ấy, chị Thanh bắt tay vào trồng mắc ca. Chị trồng mắc ca được 5-6 năm mới biết cây mắc ca không có quả hoặc rất ít quả. Chị đặt vấn đề này với Thủ tướng. “Về cây giống không ra trái, yêu cầu kiểm tra ai cung cấp giống không phù hợp khiến cho cây mắc ca không ra trái hoặc ra trái rất ít”, Thủ tướng trả lời dứt khoát và cho biết, vấn đề của chị Thanh sẽ được các cấp, các ngành, các nhà khoa học, chuyên gia xem xét tại hội nghị về cây mắc ca diễn ra vào hôm sau, cũng chính tại hội trường này. Thủ tướng đã mời chị Thanh dự hội nghị.

Tầm nhìn đầy khát vọng cho cây mắc ca

Đối với vùng Tây Nguyên, cà phê vốn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo. Qua 125 năm kể từ khi được đưa vào Việt Nam, đến nay loại cây này đã ghi tên nước ta lên “bảng vàng” xuất khẩu của thế giới (đứng thứ 2 về kim ngạch). Tuy nhiên, chỉ với 25 năm được đưa vào Việt Nam, cây mắc ca đã kịp chứng minh là có thể trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu, đã xuất hiện nhiều tỷ phú từ trồng mắc ca. Chỉ trong vòng 5 năm qua mà sản lượng mắc ca đã tăng 25 lần, một ha có thể thu về 200-300 triệu đồng, gấp 2-3 lần cây cà phê. Cây mắc ca được ví như cây “tỷ đô”, cây “đi sau, về trước”, là “quốc kế, dân sinh”, hay theo lời một chuyên gia có tiếng về nông nghiệp, không chỉ giúp miền núi tiến kịp mà còn có thể vượt miền xuôi.

Nhưng liệu trong 10 năm hay 20 năm tới đây cây mắc ca có thể trở thành cây đứng đầu thế giới hay không, Thủ tướng đưa ra tầm nhìn vĩ mô đầy khát vọng cho những người làm trong ngành nông nghiệp và cũng không quên đề cập đến câu chuyện “vi mô” của chị Vi Thị Thanh. “Đừng để trồng mà không có quả thì tội cho người dân”.

Chia sẻ băn khoăn với Thủ tướng cũng như người nông dân, đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và một số doanh nghiệp, nhà khoa học cho rằng, đây là trường hợp “giống giả, giống rởm”. Hiệp hội sẽ cử người đến giúp miễn phí chị Thanh bằng cách cho ghép tại chỗ trên cây thực sinh, sau 2 năm là cho ra quả. Hiệp hội sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con, nếu không bán được cho ai thì Hiệp hội mua hết, không để tình trạng “được mùa, mất giá”. Lại một tràng pháo tay vang lên cùng với những nụ cười hoan hỉ.

Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng diễn ra hơn 3 giờ đồng hồ và hội nghị về mắc ca cũng tầm ấy thời gian, có thể khiến nhiều đại biểu, nhất là các nông dân còn “thòm thèm”, nhiều câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp. Chưa thể xóa tan những nỗi trăn trở, nhưng trên gương mặt của hơn 300 nông dân tại hội trường đã thấy nhiều hơn những nụ cười thực sự, chứ không phải nụ cười đau xót sau mỗi vụ “được mùa, mất giá”, khi đó, có người đã ví von, đây là thứ đắt giá nhất của nông dân, “Nông dân còn mỗi nụ cười. Nếu đem đi bán chắc lời triệu đô”.

Theo Đức Tuân (chinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm