Xã hội

Gia đình

Để con thấu cảm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 1. Hàng đêm, tôi giữ thói quen kể chuyện cho con trước khi đi ngủ. Hôm đó, tôi đưa con đi công viên.
Đến đêm, con hỏi: “Vì sao con khỉ trong công viên buồn thế hả mẹ?”. Tôi trả lời: “Nhà của con khỉ trong rừng xanh. Con khỉ bị con người bắt về công viên, xa mẹ nên nó buồn”. Tôi vừa nói xong thì con òa khóc và nói: “Con thương con khỉ quá”. Rồi con trai nức nở hỏi tôi: “Thế làm sao để con khỉ nó có thể về được với mẹ của nó hả mẹ?”. Tôi giải thích mãi cũng không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi của con, rằng tại sao người ta không thả con khỉ về rừng. Cho đến hôm tôi đưa con đi thăm những trẻ em mồ côi ở một trung tâm và nói rằng đó là những bạn không còn cha mẹ nữa. Ở đây, các bạn có một gia đình mới, ở đó có anh chị em, có tình yêu nhưng có lẽ sẽ vẫn không bằng gia đình mình. Vậy là, trong bữa ăn tối, cậu kể với bố: “Các bạn ấy mồ côi, con thương các bạn nghèo, con gấp quần áo cho các bạn”.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
2. Vì kỳ nghỉ do dịch Covid-19 kéo dài nên chúng tôi tập hợp trẻ con trong nhóm bạn bè để hàng ngày, mỗi mẹ sẽ được cử ra để trông chừng lũ trẻ đang độ tuổi mầm non. Một bữa, cậu bé 4 tuổi con bạn tôi đang ăn cơm thì mang đổ một chút ra vườn rau. Tôi hỏi: “Bo làm gì vậy, sao lại đổ cơm ra như thế”. Cậu bé trả lời: “Con cho con kiến ăn cơm”. Đoạn cháu gọi to: “Kiến ơi đến mà ăn cơm. Bo để dành cơm cho kiến nè”. Tôi bất ngờ trước hành động của cậu bé. Đến sáng hôm sau thì thấy mớ cơm trắng ấy đã được đàn kiến (hay lũ chuột?) dọn dẹp sạch sẽ. Mấy hôm nữa có dịp ghé ngang qua nhà, cậu chàng hỏi tôi: “Cô ơi, kiến nhà cô có ăn cơm giống kiến nhà Bo không?”. Tôi trả lời: “Kiến nhà cô đã ăn hết rồi. Kiến nói cảm ơn Bo bằng cái râu vẫy vẫy, nó vui lắm!”. Nghe vậy, cậu bé rất vui. Từ đó, mỗi lần dọn dẹp, thay vì cho hết đồ ăn thừa vào sọt rác, tôi để lại một ít rải ra góc vườn. Ban đêm tĩnh lặng, tôi nghe tiếng lũ kiến, lũ mối, lũ chuột lích rích tìm đến đám lá khô. Đến sáng hôm sau, chỗ vườn ấy lại được dọn sạch tinh tươm. Tôi cũng kể cho con trai mình về chuyện lũ kiến được bạn Bo chăm sóc.
3. Với lịch học dày đặc và sự kỳ vọng của cha mẹ vào con cái quá lớn nên trẻ con ngày thường bị cuốn trong vòng xoáy của học hành, thi cử. Bắt đầu vào lớp 1, thay vì được háo hức với các chữ cái và con số thì trẻ dường như đã được biết hết. Nhiều phụ huynh đã yêu cầu trường mầm non phải dạy chữ cho con. Những đứa trẻ vô hình trung trở thành đề tài để cha mẹ tự hào khi biết thêm được những phép tính, con chữ. Vì những áp lực vô hình đó mà trẻ được nhào nặn, nhồi nhét kiến thức từ khi còn nhỏ. Chính vì vậy, những lăng kính giúp trẻ nhìn thấy thế giới bên ngoài cũng bị thu hẹp dần. Trong khi đó, hiện nay, sự tự tin, chia sẻ, thấu cảm yêu thương đang được xem là một trong những biểu hiện của trí thông minh hiện đại. Nhiều lúc chúng ta nhầm tưởng rằng sự yêu thương con người là bản năng, nó tồn tại hiển nhiên mà không cần bồi đắp hàng ngày. Chính vì vậy, chúng ta bỏ quên nó để rồi trẻ lớn lên mà quên mất một kỹ năng quan trọng là thấu cảm, đồng cảm với những hoàn cảnh khác.
4. Tình yêu là bản năng. Con người thường có xu hướng thương cảm, chia sẻ với những đối tượng khó khăn hơn; trẻ con cũng không ngoại lệ. Nhưng trẻ không thể kiểm soát được những tình huống mà cuộc sống hiện đại sẽ tác động đến chúng. Chính vì vậy, đối với các bậc phụ huynh, bên cạnh việc dạy con trở thành đứa trẻ thông minh về trí tuệ cũng cần chú ý đến việc bồi đắp những kỹ năng thuộc về thông minh cảm xúc (EQ). Cần kể cho con những câu chuyện về yêu thương con người, động vật. Dạy cho trẻ bảo vệ môi trường, quý trọng cây xanh. Bởi vì tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào phải bắt nguồn từ tình yêu với con vật, với ngọn cây, đồng cỏ. Tình yêu lớn phải xuất phát từ những điều nhỏ bé mà thiên nhiên ban tặng chúng ta hàng ngày.
THIỀU TÚ UYÊN

Có thể bạn quan tâm