Kinh tế

Doanh nghiệp

Để hàng Việt chiếm lĩnh "sân nhà"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một cuộc vận động mang tầm quốc gia và mang tinh thần yêu nước mạnh mẽ, hàng Việt đã dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. Nhiều siêu thị lớn đã cam kết và thực hiện nâng cơ cấu hàng hóa kinh doanh lên 90% hàng Việt. Những chuyến hàng Việt về nông thôn, về vùng sâu, vùng xa đã được người tiêu dùng hưởng ứng mạnh mẽ.
Thế nhưng, chừng đó là chưa đủ. Khi hàng rẻ tiền của Trung Quốc đã phải giả danh nhãn mác “Made in Viet Nam” để bán ngay tại thị trường Việt Nam thì không lẽ gì người tiêu dùng Việt không biết giá trị của hàng Việt. Nhưng biết là một chuyện, còn để người dân ở khắp các vùng miền Việt Nam, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể dễ dàng tiếp cận hàng Việt, dễ dàng mua hàng Việt chất lượng tốt để sử dụng thì rất cần một chiến lược đưa hàng Việt tới tận tay người tiêu dùng. Chiến lược này phải được cụ thể hóa bằng những chuyến xe đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, về vùng sâu, vùng xa theo định kỳ hàng tháng, chứ không đợi tới cuối năm mới tổ chức những “Hội chợ hàng Việt” mà nhiều nơi còn trộn lẫn hàng Việt với hàng… Trung Quốc khiến người tiêu dùng khó chọn lựa đúng những mặt hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý. Chiến lược này còn nhắm tới hệ thống chợ Việt ở khắp nước, nhắm tới những cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ khắp các vùng miền, từ các thị trấn tới các thôn làng. Hàng Việt phải được “phủ sóng” trên toàn quốc.
Những chuyến xe đưa hàng Việt về nông thôn rất cần sự hỗ trợ của truyền thông địa phương để người dân biết mà đón mua. Những mặt hàng Việt đưa về nông thôn cũng rất cần sự chọn lựa chất lượng, mẫu mã và giá cả để chúng thực sự đi vào cuộc sống của người tiêu dùng, trở thành nhu cầu không thể thiếu. 
Nhiều cuộc vận động ban đầu thường rộn rã, nhưng càng về sau càng… lặng lẽ và mang tính hình thức hơn là thực chất. Nhưng bán hàng, nhất là hàng Việt, thì không thể như vậy.
Đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, việc đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng có cơ hội giao lưu, trao đổi, tương tác nhiều hơn. Qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng tại mỗi địa phương, từ đó điều chỉnh sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Đây là cuộc vận động của nhận thức, để dẫn tới hành động. Nó có lợi ích từ cả 2 phía. Phía doanh nghiệp bán hàng có được thêm thị phần phân phối, cũng có thêm những kiến thức về chất lượng, mẫu mã sản phẩm thế nào thì phù hợp với từng vùng miền, từng dân tộc. Nên nhớ, nước ta có tới 54 dân tộc, và yêu cầu từ hình thức tới nội dung các mặt hàng tiêu dùng là không hoàn toàn giống nhau giữa các dân tộc. Vì thế, rất cần những “chuyến xe hàng Việt nhiều màu sắc” để vừa bán hàng vừa khảo sát, vừa có những cuộc “trưng cầu dân ý” bỏ túi nhằm tương tác và tìm ra đúng nhu cầu người tiêu dùng ở những vùng miền khác nhau. Những nghiên cứu khảo sát ấy vô cùng hữu ích cho nhà sản xuất, nhà phân phối để nâng cao cả chất lượng và hình thức các mặt hàng, khiến vừa lòng khách mua. Hoạt động này còn giúp người tiêu dùng chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, ưu tiên mua sắm hàng Việt, vì họ nhận thấy những ưu việt của hàng hóa quốc gia mình, sự phù hợp của hàng Việt đối với người Việt. Khi đó, khẩu hiệu vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ trở thành một slogan phổ biến trên toàn đất nước, và người tiêu dùng sẽ mua hàng Việt như một nhu cầu tự thân, như một điều tất nhiên.
Một thị trường nội địa gồm hơn 90 triệu người là một thị trường lớn. Đó lại là “thị trường của người Việt mình”, vì vậy, phải biến “sân nhà” thành một lợi thế lớn, một lợi thế hiển nhiên. Mọi sự thờ ơ hay hời hợt đều khiến người sản xuất, người bán hàng và cả người mua hàng “thua” một cách không thể chấp nhận ngay trên “sân nhà”.  
 THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm