Thời sự - Bình luận

Để không tái diễn những tai nạn đau lòng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngôi làng đang yên bình, bỗng dưng có 4 đứa trẻ tử vong do đuối nước. Những tiếng khóc xé lòng của bao người thân khi con trẻ tức tưởi ra đi.

Khi tôi tìm đến gia đình để tìm hiểu sự tình thì được biết, chiều 20.5, một nhóm học sinh nữ, trong đó có 3 em đều học lớp 5A, 1 em học lớp 2A - Trường tiểu học Hàm Phú 1 (H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) rủ nhau ra ao sen để hái sen, sau đó cùng nhảy xuống dòng kênh thủy lợi Sông Quao để tắm. Khác với mọi ngày, hôm ấy trời mưa to, nước dâng cao hơn đầu người lớn. Các em nhảy xuống tắm kênh mà không biết nước sâu và chảy mạnh. Chỉ lát sau, cả 4 em bị đuối nước, có em trôi xuôi theo dòng kênh cả cây số.

Mọi người trong làng nghe hung tin ra dòng kênh tìm kiếm nhưng vô vọng. Trong số các em bị đuối nước, có em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mới 12 tuổi nhưng đã phải giúp cha mẹ chăm sóc 2 em nhỏ. Có bé gái mới 8 tuổi, là con duy nhất của người mẹ đơn thân.

Cô giáo chủ nhiệm lớp 5A (lớp có 3 nữ sinh bị đuối nước) kể với tôi, trước đó 2 ngày, khi chào cờ, nhà trường đã nhắc nhở toàn bộ học sinh trong trường không được tắm sông, tắm suối, kênh rạch khi bắt đầu nghỉ hè. Nhưng sự việc đau lòng vẫn cứ diễn ra làm cả trường nhói tim khi mất 4 học trò trong một buổi chiều.

Lời chia sẻ "mất 4 học trò chỉ trong một buổi chiều" của cô giáo cứ ám ảnh tâm trí tôi trong quãng đường về. Phải làm sao để không còn xảy ra những cái chết đau lòng khi trẻ bị đuối nước? Hiện nay, các trường học đều đưa môn bơi lội vào dạy trong trường, cả học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Nhưng do thiếu hồ bơi, việc dạy bơi trong trường còn mang tính hình thức, chưa tới nơi tới chốn. Do vậy, ngoài việc phổ cập bơi cho các em, gia đình và nhà trường cần phối hợp trang bị kỹ năng sống cho trẻ biết phòng tránh những tai nạn đau lòng khi đuối nước.

Có thể bạn quan tâm