Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quý I năm nay chỉ đạt 3,32%, cao hơn thời điểm bùng phát dịch Covid-19 chỉ 0,11%, diễn đàn là dịp đánh giá thực chất vai trò và những vướng mắc cần tháo gỡ để thành phần kinh tế này thực sự là động lực, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của kinh tế đất nước.
Kinh tế tư nhân hiện có quy mô bằng 1/3 nền kinh tế với nhiều thương hiệu mạnh ở các lĩnh vực trọng yếu như: công nghiệp chế biến chế tạo, hàng không, tài chính-ngân hàng, công nghệ thông tin… Trong số hơn 800.000 doanh nghiệp tư nhân, nhiều doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, trở thành những tập đoàn có khả năng cạnh tranh quốc tế như: Vingroup, THACO, FPT, Hoàng Anh Gia Lai, Trung Nguyên… Đóng góp của kinh tế tư nhân cho đất nước rất lớn: giai đoạn 2016-2021 chiếm bình quân 46% GDP và kỳ vọng đến năm 2025 sẽ đạt 55% GDP, đóng góp 85% tổng số việc làm cho xã hội. Năm ngoái, kinh tế tư nhân đóng góp 19% cho ngân sách, 1/3 tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu, 59,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân lại đang giảm dần. Gần 94% thành phần kinh tế này là hộ kinh doanh với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế hạn chế, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị thấp, dễ vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân luôn trong tình trạng thiếu vốn và ít được đầu tư khoa học công nghệ.
Nguyên nhân sâu xa được các chuyên gia kinh tế cho rằng, vì môi trường kinh doanh dễ bị tác động từ thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, sức chống chịu của doanh nghiệp còn yếu; các vấn đề thể chế, chính sách, hoạt động công vụ vẫn có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân… Các doanh nghiệp tư nhân cũng chưa quan tâm chuyển đổi đầu tư công nghệ và xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong khi đây là nền tảng để trụ vững và phát triển.
Phần đông ý kiến cho rằng, sau những tổn thương nặng nề do đại dịch Covid-19, động lực để doanh nghiệp phục hồi và phát triển là nguồn vốn. Nhưng việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân thời gian qua không mấy thuận lợi. Doanh nghiệp đói vốn là thực trạng được đề cập rất nhiều lần tại các diễn đàn, cuộc làm việc giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ. Sau những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, tình hình tuy có cải thiện, nhưng nhìn chung, doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Thiếu vốn kinh doanh, đơn hàng bị đứt, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, dù biết rằng con người là quan trọng, nhưng không thể cầm cự mãi.
Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế, tháng 2 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” với một số hoạt động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân về tư vấn, đào tạo; tìm kiếm, lựa chọn và chuyển giao công nghệ phù hợp; hỗ trợ chi phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư; hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ...
Không chỉ đơn giản là chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ để tăng số doanh nghiệp tư nhân từ 800.000 hiện nay lên 1,5 triệu như mục tiêu đề ra mà phải bằng việc thống nhất chủ trương, huy động sự chung tay từ các bộ, ngành đến chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, giải quyết tốt an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước thì doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng cho mình chiến lược kinh doanh hợp lý, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh hoạt động marketing, thực hành các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện việc chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước.