Kinh tế

Để kinh tế tư nhân xứng tầm động lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhận thức đúng về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân (KTTN), những năm qua, Gia Lai đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển đúng hướng. Qua đó, khu vực kinh tế này đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đồng hành hỗ trợ KTTN phát triển

Trong giai đoạn 2017-2021, hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 870 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trung bình 6,5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 5 năm trở lại đây tăng bình quân 20,5%/năm. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 7.908 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 119.490 tỷ đồng. Đến tháng 9-2022, toàn tỉnh có 8.380 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 131.970 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản như: cà phê, hạt điều, chế biến trái cây và sản xuất điện.

Những năm qua, khu vực KTTN đã đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước: năm 2017 nộp thuế 876 tỷ đồng, năm 2018 nộp 1.206 tỷ đồng, năm 2019 nộp 1.409 tỷ đồng, năm 2020 nộp 965 tỷ đồng và năm 2021 nộp trên 3.100 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất kinh doanh trong các ngành mang tính ổn định lâu dài như: xây dựng thủy điện, trồng cao su, chế biến nông sản, thực phẩm, tổ hợp trung tâm thương mại-dịch vụ, khu dân cư đô thị, hạ tầng khu-cụm công nghiệp... góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tuy còn khó khăn nhưng các đơn vị KTTN đã có đóng góp lớn vào các hoạt động vì an sinh xã hội. Điều này thể hiện rõ trong hơn 2 năm qua, khi các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đã chung tay, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành phòng-chống dịch Covid-19. Không chỉ đóng góp nhiều cho Quỹ vắc xin phòng-chống Covid-19, doanh nghiệp còn hỗ trợ vật chất, tặng quà cho lực lượng tham gia phòng-chống dịch, ủng hộ công nhân và các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Công nhân DOVECO Gia Lai sơ chế nông sản. Ảnh: Đức Thụy

Công nhân DOVECO Gia Lai sơ chế nông sản. Ảnh: Đức Thụy

Đồng hành cùng sự phát triển của khu vực KTTN, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; có chính sách đột phá tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Các ngành, địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá, kiểm tra các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý, thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình để có biện pháp tháo gỡ. Tỉnh đã ban hành tài liệu hướng dẫn về quy trình đăng ký đầu tư, cắt giảm được nhiều thủ tục bất hợp lý, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận thị trường; tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, đối thoại công khai định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thường xuyên quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng về khoa học và công nghệ nhằm tăng cường hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp trong cả nước. Cùng với đó là xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh đứng thứ 26 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên, tăng 12 bậc so với năm 2020.

Trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai thực hiện đúng và đầy đủ, công khai các quy định và rà soát hoàn thiện mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”, bộ thủ tục hành chính áp dụng tại tỉnh theo các quy định mới ban hành như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường… Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh được giải quyết qua mạng internet của tỉnh đạt trên 96%. Thời gian bình quân xử lý hồ sơ thành lập mới doanh nghiệp, hồ sơ thay đổi của doanh nghiệp được cắt giảm đáng kể. Năm 2021, Gia Lai có tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đứng thứ 5/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tập trung hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ, tham gia liên kết, chuỗi giá trị... Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong khảo sát, triển khai các dự án, hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản với các hợp tác xã, người dân; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh tiêu thụ nông sản, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; thường xuyên triển khai công tác xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình hợp tác, kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước và với nước ngoài.

Để KTTN phát triển bền vững

Tuy đạt nhiều thành tựu quan trọng, song khu vực KTTN quy mô chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ. Đa số doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thuộc khu vực KTTN gặp khó khăn về vốn. Hơn 90% cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có vốn sở hữu dưới 10 tỷ đồng, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Cơ cấu ngành nghề chưa đa dạng và thiếu nhạy bén với thị trường, chủ yếu tập trung hoạt động lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong khi thế mạnh của tỉnh là nông nghiệp, nhưng có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế, dẫn đến chậm thay đổi cơ cấu sản phẩm, ngành nghề. Đa số doanh nghiệp tư nhân không đủ khả năng tham gia vào mạng sản xuất và các chuỗi giá trị, chưa đủ sức tham gia các cuộc làm ăn kinh tế lớn, cạnh tranh trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Để KTTN của tỉnh phát triển bền vững trong thời gian đến, từng bước trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, tỉnh cần có các chính sách, giải pháp cụ thể để khuyến khích, động viên tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, nhất là trong cộng đồng doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp trong toàn xã hội. Triển khai có hiệu quả chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư về đất đai, vốn, công nghệ... để triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Quan tâm tổ chức các hội nghị cung cấp, phổ biến thông tin và các hướng dẫn thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế (ASEAN, WTO, APEC, ASEM…) và các hiệp định kinh tế thương mại, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, các lĩnh vực có thế mạnh, các dự án lớn có sức lan tỏa cao. Thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong việc tiếp cận với các thông tin, nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn lực tài chính và đất đai. Sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh cần thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ đổi mới sáng tạo, thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Khuyến khích phát triển chuỗi giá trị và liên kết vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh, định hướng xuất khẩu. Xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu để khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.

TỐNG THỚI MỐC

Có thể bạn quan tâm