Văn hóa

Đê Ktu - Làng văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi có dịp theo chân một đoàn du khách Pháp vừa đến thăm làng Đê Ktu, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang vào dịp đầu năm 2009. Đây là ngôi làng từ lâu được Công ty cổ phần Văn hóa Du lịch Gia Lai chọn là điểm dừng chân thường xuyên của các đoàn khách du lịch tại huyện Mang Yang. Sau khi tham quan nhà rông và một số ngôi nhà sàn truyền thống, du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Bahnar do chính những chàng trai, cô gái trong làng biểu diễn. Mặc dù đã quá trưa, nắng nóng, nhưng những điệu múa quyến rũ của các cô gái, tiếng cồng chiêng cuốn hút của các chàng trai chân đất vẫn làm say lòng du khách. Một du khách cho biết: “Tôi cảm thấy rất hài lòng khi đến thăm nơi đây, được thưởng thức những tiết mục văn nghệ do chính người địa phương trình diễn và được tìm hiểu về một dân tộc có nhiều nét bản sắc độc đáo này ở Việt Nam. Đến đây, tôi thấy rất dễ chịu, thoải mái”. Đến làng Đê Ktu, du khách còn có thể tham quan, tìm hiểu những nét truyền thống riêng của người Bahnar bản địa như khu nhà mồ với tín ngưỡng chăm sóc người chết như người sống, với nếp nhà sàn bằng gỗ tồn tại bao đời nay và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ độc đáo khác…
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Làng Đê Ktu, gồm 94 hộ, 540 khẩu người dân tộc Bahnar sinh sống tập trung, có vị trí thuận lợi để phát triển mọi mặt. Với quỹ đất đai dồi dào, hầu hết người dân đều làm nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều hộ dân trong làng vẫn giữ được các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát… vừa phục vụ du lịch, vừa sử dụng trong sinh hoạt gia đình. Vài năm gần đây, nhiều người dân trong làng tham gia mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi nên đời sống đã trở nên khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 8%, hầu như không còn hộ đói.

Mới đây, làng Đê Ktu là đại diện duy nhất tại địa phương được chọn là một trong số 20 thôn, làng trên cả nước để Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đầu tư, bảo tồn, xây dựng “Làng văn hóa truyền thống”. Ông Lê Sắc Tiên- Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Mang Yang cho biết: Để đầu tư, xây dựng làng Bahnar truyền thống, trước hết cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, vận động người dân trong làng để tạo sự đồng thuận, sau đó mới tính đến việc đầu tư phát triển văn hóa vật thể, phi vật thể khác…

Hy vọng, trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ có một làng Bahnar truyền thống đúng nghĩa giữa lòng thị trấn Kon Dơng. Đây sẽ là nơi lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp truyền thống quý báu của cộng đồng người Bahnar bản địa.
Minh Lý

Có thể bạn quan tâm