Văn hóa

Ẩm thực

Đề nghị đưa nghề chế biến mì Quảng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa có Công văn gửi Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề nghị đưa nghề chế biến mì Quảng của địa phương vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo đó, nghề chế biến mì Quảng ở tỉnh Quảng Nam hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng. Món ăn dân dã nhưng hàm chứa cả diễn trình lịch sử hình thành, hệ tri thức dân gian của vùng đất Quảng Nam.

Mì Quảng theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam rộng mở, sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến, làm nên sự đa dạng, phong phú trong hương vị ẩm thực. Món ăn có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian, có thể “chiều” được tất cả kiểu khách.

Mì Quảng là một món ăn có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian, có thể “chiều” được tất cả kiểu khách. Ảnh: Phương Vi

Mì Quảng là một món ăn có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian, có thể “chiều” được tất cả kiểu khách. Ảnh: Phương Vi

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức điều tra, xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Nghề chế biến Mì Quảng tại tỉnh Quảng Nam.

Mì Quảng là món ăn quen thuộc với bao thực khách. Mì Quảng có nhiều biến tấu ở tùy từng nơi để phù hợp với khẩu vị, sở thích và đa dạng từ mì gà, ếch, cá, sườn heo, trứng, tôm, chả… Dù vậy, điểm nhấn của món ăn này chính là phần sợi bánh mềm mìn, có độ dai vừa phải (màu trắng hoặc vàng). Khi ăn chỉ rưới một chút nước “nhưn” vừa đủ làm ướt sợi mì. Mì Quảng đúng điệu thì không thể thiếu đậu phộng giã dập, bánh đa chiên hoặc bánh phồng tôm kèm một đĩa rau sống mà chủ đạo là rau cải mầm.

Có thể bạn quan tâm