Văn hóa

Đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947 xã Kông Bờ La, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì hội thảo với sự tham dự của các nhân chứng, các nhà khoa học cùng đại diện xã Kông Bờ La; các phòng, ban huyện Kbang và lãnh đạo UBND huyện.

8f254ac7ce5a76042f4b.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lam Nguyên

Theo hồ sơ di tích, trong khoảng thời gian năm 1946 và những tháng đầu năm 1947, sau các trận phục kích, công đồn của bộ đội Việt Minh và hoạt động gây áp lực của lực lượng quần chúng trong vùng, binh sĩ Pháp tại các đồn ở An Khê điên cuồng càn quét, khủng bố trả thù, đặc biệt là đối với những khu vực chúng nghi ngờ đã ủng hộ Việt Minh, nuôi giấu bộ đội.

Các nhân chứng kể lại, ngày 18-3-1947, binh sĩ Pháp càn vào làng Tân Lập. Tại đây, khi lục soát, phát hiện các dấu vết liên quan đến việc bộ đội từng đóng quân như: Trại rạp, chỗ nấu ăn, nồi bung, nồi bảy (loại nồi đồng lớn), dây điện thoại..., chúng liền đập phá tài sản, đốt nhà và thẳng tay bắn giết.

Cùng lúc, nhiều toán binh lính Pháp xộc vào từng nhà và bắt đầu tàn sát dân làng. Người già, trẻ em, phụ nữ có mang đều bị chúng giết không thương tiếc. Sau khi vơ vét của cải, lùa gia súc đi, giặc Pháp đốt làng. Gần 80 nóc nhà cùng bốc cháy, biến Tân Lập thành một biển lửa.

images3150381-1.jpg
Khu Di tích lịch sử "Vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947" luôn được cán bộ, nhân dân trên địa bàn quan tâm, thăm nom. Ảnh: Lam Nguyên

Cuộc thảm sát đã xóa sổ làng Tân Lập; số người may mắn thoát chết sau đó cũng bỏ đi nơi khác sống. Họ chủ yếu đến cư trú tại làng Tân Tạo (nay thuộc xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Sau này, khi dồn dân, thực dân Pháp buộc cư dân Tân Tạo đến ở tại khu vực Chợ Đồn (phường An Bình, thị xã An Khê) từ đó cho đến nay.

Ngày 15-11-2016, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND huyện Kbang tổ chức hội thảo khoa học di tích “Vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”. Qua thảo luận, Hội thảo thống nhất: Vụ thảm sát tại làng Tân Lập là có thật và khi đó, nơi này từng có khoảng 74 nóc nhà, 368 người bị giết hại trong cuộc tàn sát của thực dân Pháp vào ngày 18-3-1947.

d796580fa291d37fc8fdb9277abe9da2.jpg
Màu xanh cây cỏ đã phủ lấp những đau thương xảy ra cách đây gần 80 năm. Ảnh: Lam Nguyên

Sau hội thảo không lâu, năm 2017, di tích “Vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947” được UBND tỉnh Gia Lai công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Thời điểm này, địa điểm di tích thuộc thôn 1, xã Đak Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai; nay sáp nhập vào xã Kông Bờ La.

Di tích nằm cách trung tâm huyện khoảng 20km, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 100km. Giỗ chung cho các nạn nhân vụ thảm sát luôn được tổ chức trang trọng vào ngày 25-2 Âm lịch hàng năm tại khu tưởng niệm.

25af5a89ab15134b4a04.jpg
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lam Nguyên

Tại hội thảo, các nhân chứng, nhà khoa học mong mỏi cần tôn tạo di tích xứng tầm nhằm tưởng nhớ những người đã mất, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của dân tộc; đồng thời xác minh một số thông tin còn chưa thống nhất trong các tư liệu liên quan đến sự kiện.

Về tên gọi của di tích, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân đề xuất chỉ gọi chung là “Vụ thảm sát Tân Lập năm 1947”, vì trong số các nạn nhân vụ thảm sát, ngoài nhân dân làng Tân Lập còn có khoảng 50 người từ nơi khác tản cư đến.

Các đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947 xã Kông Bờ La, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai” là di tích quốc gia.

Có thể bạn quan tâm