Tiếp tục có 2 lãnh đạo VEAM bị khởi tố trong những vụ đầu tư không khác gì ném tiền qua cửa sổ.
Vị lãnh đạo thứ 6 của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) bị khởi tố trong tình trạng hàng loạt các dự án đầu tư đều thua lỗ, gây mất vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng.
Cơ quan điều tra vừa khởi tố tiếp 2 lãnh đạo VEAM. Và đằng sau đó, những hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này là quá kinh khủng, chua chát.
Dự án Nhà máy ôtô VEAM chẳng hạn. Được triển khai từ năm 2004, tổng mức đầu tư 600 tỉ bằng cách mua lại nhà máy cùng dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc với công suất thiết kế 30.000 xe tải và 3.000 xe khách/năm.
VEAM đã “ném” vào đây gần 2.000 tỉ đồng. Và kết quả, nói đúng hơn là hậu quả, là khoản lỗ lũy kế 343 tỉ đồng. Là 2.950 xe tồn kho.
Việc đầu tư, quản lý vốn tại chi nhánh VEAM Bắc Kạn chẳng hạn: Làm mất vốn hơn 331,8 tỉ đồng.
Rồi các khoản nợ: 595,3 tỉ với các đơn vị thành viên. Hàng ngàn tỉ với các đối tác khác “chưa biết đến bao giờ mới thu hồi được”.
Và đây là chi tiết đáng chú ý: Dù là một doanh nghiệp máy động lực và máy nông nghiệp, các hoạt động có lãi của VEAM chủ yếu các khoản lãi đều đến từ hoạt động liên doanh trong ngành... ôtô và từ tiền lãi gửi ngân hàng.
Nói đầu tư kiểu “ném tiền qua cửa sổ” là không hề sai.
Nói quản lý vốn kiểu “mình thích thì mình làm” cũng tuyệt đối đúng.
Nhưng câu chuyện VEAM cho thấy một thực tế là chúng ta đang thiếu nghiêm trọng công vụ giám sát và kiểm tra DNNN khiến một dự án sai suốt từ 2004 đến giờ vẫn chưa xử lý xong. Khiến các quyết định về vốn gần như một thứ bí mật, cho đến khi vụ án được khởi tố.
Tại hội nghị của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã bàn đến một nguyên tắc rất hay mà ông gọi là “thả ra nhưng phải nhìn thấy” trong vấn đề giám sát và kiểm tra DNNN.
Theo Bộ trưởng Hùng, chỉ có ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra giám sát mới là biện pháp đảm bảo công khai minh bạch, đánh giá, phân tích sớm sức khỏe DN, cũng là để khắc phục cách quản lý hiện nay luôn dẫn đến tình trạng sự việc đã quá nặng rồi mới phát hiện xử lý, với hậu quả luôn rất nặng nề khi vừa mất tài sản, vừa mất cán bộ.
Nếu các dự án đầu tư, nếu các khoản vay mượn, nếu các hoạt động sản xuất đều được công khai, minh bạch, và được giám sát bởi cả nhà nước và người dân, có lẽ, sự việc VEAM đã không xảy ra, thì các quả đấm thép sẽ không đến nỗi chỉ là để bán đồng nát, như VEAM, như dự án thép Thái nguyên giai đoạn 2, hay trước đó là những ụ tàu, những đường sắt phải xử lý bằng cách bán sắt vụn đúng nghĩa đen.
Anh Đào (LĐO)