Kinh tế

Nông nghiệp

Dê rớt giá, người chăn nuôi ở Gia Lai gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều hộ chăn nuôi dê trên địa bàn tỉnh Gia Lai rơi vào cảnh khó khăn do sức tiêu thụ của thị trường yếu, giá cả đầu ra không ổn định.

Giá dê hơi tại chuồng trại hiện dao động trong khoảng 70-90 ngàn đồng/kg con giống, 65-80 ngàn đồng/kg con đực và 60-70 ngàn đồng/kg con cái. Giá dê giảm nên tại một số địa phương, bà con nông dân bắt đầu giảm đàn.

Đơn cử như tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Năm 2022, các hộ dân trong xã chăn nuôi hơn 9.000 con dê, tập trung nhiều nhất tại 3 tổ hội nghề nghiệp thuộc các thôn: Thủy Phú, Ia Brel và Ia Jol.

Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, không gian chăn thả, nguồn thức ăn xanh ngày càng khan hiếm nên đa số hộ chăn nuôi dê đã chủ động giảm đàn.

Đàn dê của gia đình anh Nguyễn Văn Bắc (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Ảnh: H.M

Đàn dê của gia đình anh Nguyễn Văn Bắc (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Ảnh: H.M

Anh Nguyễn Văn Bắc (thôn Phú Bình, xã Ia Le) cho biết: “Tháng 9-2022, gia đình tôi nuôi hơn 200 con dê, trị giá khoảng 500 triệu đồng. Thế mà giờ đây, tôi phải bán đi hơn 100 con để lấy tiền trang trải chi phí sản xuất và sinh hoạt.

Chăn nuôi dê hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ tôi thấy giá xuống thấp và kéo dài như năm nay. Thời gian qua, giá dê rớt từ 140 ngàn đồng xuống 80 ngàn đồng, có thời điểm xuống còn 65 ngàn đồng/kg đối với con giống; từ 120 ngàn đồng xuống còn 70 ngàn đồng, có thời điểm xuống đáy tới 60 ngàn đồng/kg đối với dê hơi”.

Chăn nuôi dê khó khăn khiến nhiều gia đình ở xã Ia Le phải chạy vạy vay mượn, cầm cố tài sản để lấy tiền duy trì đàn vật nuôi và trang trải cuộc sống. Hội Nông dân xã đề xuất chính quyền giải pháp hỗ trợ bà con giải quyết khó khăn; đồng thời, hướng dẫn hội viên làm thủ tục vay gần 400 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân nhằm duy trì đàn dê, giải quyết một phần nhu cầu cuộc sống.

Ông Đỗ Văn Đặng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le-cho biết: “Năm nay, tình trạng rớt giá kéo dài, chi phí chăn nuôi tăng cao khiến nhiều hội viên phải bán bớt đàn dê, một số hộ lâm cảnh nợ nần”.

Nhiều gia đình nuôi dê ở huyện Chư Prông cũng lâm vào cảnh khốn đốn. Ông Lê Thế Giới-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi dê làng Phun Thanh (xã Ia Băng) thông tin: Tổ hội nghề nghiệp hiện có 5 hộ chăn nuôi dê. Nếu năm 2022, các hộ trong tổ chăn nuôi hơn 600 con dê thì nay chỉ còn 400 con. Nguyên nhân là do giá dê xuống quá thấp nên các hộ đã phải bán dần để tránh bị thua lỗ.

“Đây là khó khăn chung của bà con chăn nuôi dê. Năm 2023, do giá dê xuống thấp nên gia đình tôi bán dần và nay chỉ còn hơn 30 con. 5 hộ chúng tôi làm thủ tục vay 100 triệu đồng (mỗi hộ 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện) để tiếp tục chăm sóc, duy trì đàn dê”-ông Giới cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Thái Văn Dũng-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: “Năm nay, giá các loại dê đều xuống thấp ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người nuôi. Dù vậy, bà con nông dân vẫn cố gắng duy trì đàn dê của tỉnh ở mức hơn 125.000 con và không tăng đàn như những năm trước.

Các cấp, các ban ngành trong tỉnh tích cực vận động, hướng dẫn người dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại, tiết giảm các khoản chi phí hợp lý, hạ giá thành sản phẩm để có lãi và cạnh tranh với các địa phương khác”.

Có thể bạn quan tâm