Để SGK lớp 2, 6 tránh 'sạn' như lớp 1: Cần ít nhất 8 tháng thực nghiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau sách giáo khoa lớp 1, còn tới 11/12 bộ sách giáo khoa (SGK) phải được hoàn thành trong gần 4 năm tới.
 
Những vấn đề từ SGK lớp 1 tiếng Việt sẽ là kinh nghiệm để sách lớp 2, lớp 6 năm sau đáp ứng tốt hơn yêu cầu của giáo viên, học sinh. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Những vấn đề từ SGK lớp 1 tiếng Việt sẽ là kinh nghiệm để sách lớp 2, lớp 6 năm sau đáp ứng tốt hơn yêu cầu của giáo viên, học sinh. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Do vậy, Bộ GD-ĐT cần lắng nghe để điều chỉnh và không lặp lại những bất cập khiến dư luận bức xúc về SGK mới như thời gian gần đây.
Một môn học có nhiều hơn một cuốn SGK được quy định mới lần đầu trong luật Giáo dục. Do đó, ngành GD-ĐT khi triển khai điều luật này, việc gặp phải những khó khăn hay lúng túng là điều khó tránh khỏi. Thiết nghĩ, lắng nghe, đánh giá và điều chỉnh trước những vấn đề được dư luận đặt ra, qua việc ban hành bộ SGK lớp 1, là việc nên làm.
Thực nghiệm SGK mới càng lâu, diện càng rộng thì càng tốt, tránh được mọi sai sót và cơ hội có được bộ sách chất lượng tốt là khả thi. Tháng 9.2020 đã thẩm định xong vòng 1 sách lớp 2 và lớp 6, vì vậy nên triển khai dạy thực nghiệm rộng rãi ít nhất được 8 tháng, cho tới tháng 5.2021, trước khi in và ban hành chính thức cho năm học 2021 - 2022. Với cách làm “gối vụ” như thế này thì tất cả sách trước khi ban hành dạy đại trà đều được thực nghiệm một cách có bài bản.
Đấu thầu in SGK để giảm chi phí cho người dân
Bộ sách lớp 1, phải nói là đẹp hơn hẳn sách cũ. In 4 màu, giấy trắng, kênh hình bắt mắt, đem lại sự hài lòng và hấp dẫn cho học sinh và cha mẹ các em. Đó là điều mừng, là tiến bộ nên cần được duy trì với các bộ sách sẽ ra mắt trong tương lai.
Nên giảm số lượng SGK
Một điều khá đặc biệt là hiện nay chỉ có SGK cho học sinh mà không có sách hướng dẫn dạy cho giáo viên như chương trình cũ năm 2000 đã làm. Phải chăng những người làm chương trình muốn có sự giống nhau giữa môn học, hoạt động giáo dục nên tất cả cùng phải có SGK cho học sinh? Sự thay đổi này không chỉ cha mẹ học sinh phải bỏ thêm tiền mua sách mà cặp của học sinh sẽ nặng thêm mỗi khi các em tới trường. Không tính môn tiếng dân tộc, lớp 1 có 8 môn học và hoạt động giáo dục, theo chúng tôi chỉ cần 4/8 môn có SGK, còn lại chỉ cần sách hướng dẫn dạy cho giáo viên là phù hợp. Các môn học đạo đức, nghệ thuật và đặc biệt là giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm chỉ nên có sách hướng dẫn cho giáo viên là đủ, không cần SGK cho học sinh.
Bên cạnh đó, dư luận bức xúc, đòi hỏi phải giảm giá sách, giảm chi phí đầu năm cho nhiều gia đình. Để làm được điều này, sẽ có một số cách:
Xây dựng bản thảo, in và phát hành là 3 công đoạn chính để một cuốn sách được hoàn thiện. Với công đoạn in, SGK nếu được đấu thầu rộng rãi, kể cả đấu thầu cạnh tranh quốc tế, giá sẽ giảm đáng kể. Sự cạnh tranh lành mạnh này sẽ đem lại sự công bằng, phù hợp với cách làm SGK xã hội và cơ chế thị trường. Vòng đời một bộ sách có thể dài tới 20 năm, đồng nghĩa giá sách sẽ tiếp tục thay đổi và thông thường chỉ có thể tăng mà không giảm.
Số trang trong sách cũng là yếu tố tham gia vào giá sách. Tại sao không quy định số trang tối đa cho một cuốn? Tránh tình trạng cùng môn học SGK lại có độ dày mỏng quá khác nhau, khiến giá cũng khác. Sau khi thẩm định vòng 1, hoàn toàn có cơ sở quy định được số trang tối đa cho một cuốn sách ở mỗi môn học. Ngoài ra, khi quy định số trang sẽ giúp nội dung sách viết cô đọng hơn, buộc giáo viên phải động não và tạo điều kiện cho họ được sáng tạo trong quá trình soạn giảng.
Thận trọng nội dung đưa vào SGK
Nội dung sách phải theo chương trình tổng thể và chương trình môn học. Tuy nhiên, ở tiểu học, nội dung SGK mới và cũ không có sự khác biệt quá lớn. Có chăng cái khác biệt ở SGK mới là xây dựng cấu trúc bài học nhằm giúp người học phát triển năng lực bản thân. Có ý kiến cho rằng SGK hiện nay không là pháp lệnh như trước, chỉ là tài liệu dạy học nên ít chú trọng tới tính khoa học hay tính giáo dục của nó. Đó là một sai lầm. Hay có chủ biên sách lại quan niệm bộ sách của mình có cách viết riêng, triết lý giáo dục riêng; theo chúng tôi cũng chưa đúng, mà cần hiểu mỗi bộ sách chỉ là cách tiếp cận riêng theo triết lý chung của chương trình tổng thể và lệ thuộc vào chương trình môn học.
Giáo dục cho trẻ lứa tuổi tiểu học vô cùng khó và quan trọng. Chúng ta phải dạy cho các em thấm đậm nhân cách Việt và cốt cách dân tộc. Từ đó trong lớp trẻ, cái nền yêu nước được tạo dựng, được chắc chắn bền lâu, sẽ xóa nhòa mọi ngăn cách, để cùng hướng về chung tay bảo vệ và xây dựng đất nước thân yêu, hùng cường. Do đó theo tôi, chưa nên vội đưa quá nhiều văn thơ nước ngoài vào SGK tiểu học, nhất là học sinh các lớp 1, 2, 3 là giai đoạn đầu đời của cả một con người.
Theo Đặng Tự Ân (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm