Bộ Công Thương chính thức đưa ra đề xuất về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện với hai phương án. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn những băn khoăn chưa thể giải đáp, đặc biệt là căn cứ nào để xây dựng các phương án giá điện cụ thể như vậy.
Infographic: Văn Thắng |
Giá bán lẻ bình quân của Chính phủ còn có ý nghĩa?
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014. Tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án giá điện sinh hoạt. Một là phương án giá điện sinh hoạt từ 6 bậc hiện hành còn 5 bậc.
Hai là, Bộ Công Thương cũng đề xuất phương án áp dụng song song cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá (khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá). Đây là phương án mới, chưa từng xuất hiện trong các dự thảo trước đó của Bộ Công Thương.
Ở phương án thứ 2 này, Bộ Công Thương cũng đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến. Trong đó, phương án 2A, giá điện ở bậc 5 - bậc cao nhất lên tới hơn 5.100 đồng/kWh. Còn giá điện một giá áp dụng ở phương án này là 2.703 đồng/kWh.
Với phương án 2B, bậc 3 và 4 cũng có mức tăng thêm so với biểu giá cũ (tương đương bậc 4 và 5) từ 90 đồng - 149 đồng/kWh do gộp số bậc thang. Với bậc 5, mức giá bán lẻ điện tăng thêm hơn 520 đồng/kWh. Một giá điện ở phương án này cũng nằm trong khung bậc thang 3-4 nhưng mức giá cao hơn so với phương án 2A là 186 đồng.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Văn Kháng - một khách hàng ở phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội - cho rằng, cần có một ban thẩm định giá, để đưa ra giá cụ thể hài hòa cả người mua lẫn người bán. Theo ông Kháng, ngành Điện nên căn cứ hóa đơn trong 12 tháng. Nếu khách hàng nào sử dụng trên 400KW liên tục trong 12 tháng thì khách hàng đó được tính 1 giá. Khách hàng nào sử dụng bình quân dưới 400KW trong 12 tháng thì vẫn áp dụng cách tính theo bậc thang. Cách này thì ai cũng được lợi, người dùng nhiều được hưởng 1 giá theo giá bình quân của các bậc, người dùng ít vẫn được hưởng các mức giá thấp khi sử dụng ít.
Trong khi đó, chị Phạm Hồng Hạnh (ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, so với biểu giá cũ thì chỉ những người dùng ở các bậc thang từ 0 - 200kWh được lợi vì giá giữ nguyên, còn từ bậc thang 201 kWh trở lên thì người dùng có thể sẽ phải chịu thiệt đơn thiệt kép do giá bán lẻ tăng so với biểu giá cũ.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết, thông tin này EVN vừa mới nắm được, với phương án nào, hệ thống kỹ thuật của tập đoàn đều đáp ứng và hỗ trợ. Còn việc quyết định biểu giá điện mới phụ thuộc vào cơ quan chủ quản, EVN chỉ là đơn vị thực hiện và tuân thủ. Về phương diện kinh doanh, muốn biết lỗ lãi thế nào, tập đoàn cần phải tính toán, xem xét lại.
Nêu ý kiến cá nhân, ông Dũng cho biết “vẫn nên duy trì biểu giá điện bậc thang, vì ít ra chúng ta cũng nên theo con đường của các nước phát triển trên thế giới”. Bởi, hiện nhiều quốc gia đang áp dụng biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt theo bậc thang bởi mục tiêu rõ ràng trong tiết kiệm điện và người sử dụng ít điện được dùng giá thấp hơn. Ngay tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật... họ vẫn duy trì chính sách giá bậc thang để khuyến khích người dân dùng tiết kiệm năng lượng.
Mức độ điện sử dụng bình quân của người dân theo thống kê của EVN đang tăng lên. Năm 2016, bình quân mức dùng điện của hộ tiêu dùng sinh hoạt là 156 kWh một tháng, hiện tăng lên 189 kWh.
Giá bán lẻ điện bình quân không còn ý nghĩa?
Trao đổi với Lao Động, GS-TS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho biết, khi đã đưa ra phương án một giá điện, không nên đưa ra 2 mức (145% và 155%) như dự thảo. “Chính phủ đã có mức giá bán lẻ bình quân (hiện là 1.864,44 đồng một kWh), khi tính toán thì lấy mức đó rồi cân đối cho phù hợp, đảm bảo lợi ích các bên. Tôi chưa hiểu vì sao phải đưa ra 2 phương án về điện một giá như thế” - ông Long nói.
Cũng theo GS Trần Đình Long, giá dự kiến theo phương án một giá điện trong dự thảo cao gần bậc 5, chứ không phải trung bình bậc 3. Điều này khiến những người tiêu dùng ít điện chịu thiệt.
“Đáng lẽ từ 5 bậc nên xem xét tới phương án 3 bậc trước khi “nhảy” xuống một giá luôn. Điện một giá trước sau gì chúng ta cũng phải tính đến khi hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nhưng từ đây đến thời điểm đó mấy năm nữa, thời điểm này chưa thích hợp để áp dụng điện một giá” - ông Long nêu quan điểm.
Theo ý kiến của ông Long, phương án 3 bậc sẽ bao gồm: bậc 1 từ 1-100kWh cho những gia đình khó khăn ở mức giá được hỗ trợ, bậc tiếp theo từ 101- 499 kWh với mức giá bình quân, còn lại khách hàng trên 500kwh thì sẽ phải giá cao hơn vì đây là mức dùng nhiều với các hộ khá giả.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho Lao Động biết, việc xác định giá điện đang có vấn đề, cần phải xem xét lại. Bởi, hiện nay đã có quy định của Chính phủ về điện bán lẻ bình quân, mà giá bán lẻ này đã bao gồm các chi phí đầu vào, các chi phí hợp lý trong quá trình sản xuất, mua bán, kinh doanh và lãi của ngành Điện thì mới ra giá bán lẻ bình quân.
Cũng theo ông Thịnh, trong hai phương án Bộ Công Thương đưa ra chỉ có 1 mốc bậc 1 là 0 -100 là bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân. Còn 4 bậc trên từ 101 đến 200 và 700 trở lên thì mức đều cao hơn giá bán lẻ điện bình quân. Rõ ràng giá bán lẻ bình quân thực tế cao hơn điện bình quân Chính phủ quy định. Như vậy, giá điện bán lẻ còn có ý nghĩa gì nữa.
Về vấn đề tính điện 1 giá, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án quy định 145% và 155% so với giá bán lẻ điện bình quân. “Như đã nói giá bán lẻ điện bình quân đã được Chính phủ chấp thuận dựa trên các tính toán trong quá trình sản xuất, kinh doanh, mua bán, bán buôn… Vậy tại sao lại nâng lên 145% hay 155% thì cần phải giải thích rõ ràng. Ý nghĩa giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ còn có hiệu lực hay ý nghĩa không? Nếu như thế này thì người dùng điện ít quá thiệt thòi” - ông Thịnh nói thêm.
|
Theo Nhóm PV (LĐO)