"Bất cập và lỏng lẻo nằm ở sự phối hợp của các lực lượng chức năng thì phải chỉnh đốn lại khâu này. Không thể vì một sự phối hợp chưa chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước mà đẩy phần khó về cho người dân" Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải VN |
Lý giải cho đề xuất này, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái - Tổng cục Đường bộ VN cho rằng hiện dữ liệu giấy phép lái xe được tổng cục lưu trữ bằng hệ thống phần mềm điện tử. Nếu mất bằng lái xe, người dân chỉ cần mang bằng lái gốc hoặc chứng minh thư/căn cước công dân ra các đơn vị để đề nghị cấp lại, lệ phí cấp lại giấy phép lái xe là 135.000 đồng/lần.
Bộ GTVT đang sửa đổi Thông tư 12 về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, trong đó khoản 3, điều 36 theo dự thảo: “Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại”. Khoản 4, điều 36 cũng được sửa đổi: “Người có giấy phép lái xe bị mất từ lần thứ hai trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe”. |
Bình luận về đề xuất gây nhiều tranh cãi của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải VN (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN), cho biết trước đây đã có quy định khi mất giấy phép lái xe thì người mất phải chờ 1 tháng (kể từ ngày nộp đơn trình báo mất và xin cấp lại bằng lái) để lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh xem mất thật hay do vi phạm bị thu giữ bằng lái.
Xử lý các trường hợp gian dối giả mất để làm lại bằng lái xe Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể hôm qua 7.3 vừa có công văn hỏa tốc gửi Tổng cục Đường bộ yêu cầu tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại; hoặc trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại với mục đích sở hữu đồng thời nhiều bằng lái xe. Với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại giấy phép lái xe nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định pháp luật. Tổng cục có trách nhiệm phối hợp với Cục CSGT để kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các lái xe vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc, nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ bằng lái do vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt lại công tác cấp giấy phép lái xe đã mất theo quy đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại bằng lái không đúng quy định. Đề xuất các giải pháp xử lý vi phạm với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại bằng lái, trong đó có giải pháp sát hạch trước khi cấp lại bằng. Mai Hà |
“Rất vô lý !” Đó là nhận định của nhiều chuyên gia pháp lý xung quanh đề xuất mất bằng lái xe sẽ phải thi lại mà Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra. Khi được hỏi về đề xuất này, đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an) thẳng thắn bày tỏ thái độ không đồng tình vì cho rằng “chính sách này không hợp lý, không hợp pháp mà lại ảnh hưởng tới quyền của người dân”. “Tôi nghĩ tư lệnh ngành mà nói như vậy là đang đẩy phần khó cho người dân theo kiểu không quản lý được thì cấm”, ông Sơn nói. TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng việc bắt người mất giấy phép lái xe phải thi lại có thể làm phát sinh chi phí xã hội và chi phí của người dân rất lớn so với hiệu quả mà nó đem lại trong việc hạn chế gian lận mà Bộ trưởng Thể nhắm đến. “Nếu chi phí của việc làm bằng thứ 2, thứ 3 để gian lận có thể là 100 triệu thì chi phí của việc toàn bộ những người mất bằng phải thi lại có thể là 10 tỉ, tức là gấp 100 lần mà chưa chắc xử lý được vấn đề vì khi đã muốn gian lận, người ta vẫn có thể chấp nhận thi lại để lấy bằng”, ông Dũng phân tích. Theo ông Dũng, nguyên nhân của việc gian lận để được cấp bằng lái thứ 2, thứ 3 mà Bộ trưởng Thể đưa ra chủ yếu là do hệ thống cấp bằng và quản lý bằng lái xe có vấn đề. Do đó, muốn xử lý được vấn đề này thì phải giải quyết ở khâu cấp và quản lý bằng lái chứ không phải ở người dân. “Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, một giải pháp kỹ thuật hoàn toàn có thể kiểm soát được để đảm bảo khi cấp bằng lái xe mới thì bằng đã cấp trước đó không còn hiệu lực nữa”, ông Dũng nói. Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là không có cơ sở. “Bất kỳ quy phạm pháp luật nào cũng phải dựa trên cơ sở, căn cứ thực tiễn và nó phải có đạo lý của nó chứ không phải anh là cơ quan quản lý nhà nước anh muốn ban hành cái gì cũng được”, ông Quyền nói. Theo ông Quyền, nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý không được thì trách nhiệm trước hết thuộc về nhà nước và không bao giờ được đổ phần khó lại cho người dân. “Không thể vì cơ quan quản lý nhà nước không quản được việc cấp bằng mà bắt người dân phải thi lại”, ông Quyền nói. Đồng quan điểm, luật sư Lương Văn Trung, Trung tâm trọng tài quốc tế VN, phân tích: “Bản thân giấy phép lái xe là chứng nhận một người đủ điều kiện để thực hiện một công việc, tương tự như thẻ luật sư hay thẻ nhà báo. giấy phép lái xe chỉ là một tờ giấy để khẳng định một sự thật. Việc mất đi một giấy xác nhận không có nghĩa sự thật đó bị nghi ngờ hoặc không còn giá trị nữa, để buộc phải thực hiện lại. Đặt trường hợp nếu thẻ luật sư mất đi thì chẳng lẽ luật sư đó phải học lại lớp đào tạo luật sư, tập sự lại mới được cấp thẻ; hoặc khi nhà báo bị mất thẻ nhà báo thì cá nhân nhà báo đó phải làm việc liên tục hai năm sau mới được cấp thẻ lại. Rất vô lý!”. Bộ GTVT thanh tra việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe Bộ GTVT vừa có quyết định thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang. Bộ GTVT giao Chánh thanh tra Bộ phê duyệt kế hoạch thanh tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thay đổi thành viên đoàn thanh tra. Thời kỳ thanh tra bắt đầu từ ngày 1.1.2018 đến thời điểm thanh tra. Thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra. Việc thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại các tỉnh, thành phố nêu trên nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2019 của Bộ GTVT. M.Hà- Lê Hiệp-Thái Sơn-Phan Thương |
Mai Hà (Thanh Niên)