Đô thị

Đề xuất phương án "giải cứu" đất xen cài cho dự án nhà ở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở Xây dựng TPHCM đã hoàn chỉnh dự thảo để UBND TPHCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan hướng xử lý vướng mắc về “đất xen cài” chưa phải là đất ở trong các dự án nhà ở - vốn đang gây ách tắc hiện nay.
63 dự án nhà ở thương mại nằm trong kế hoạch “gỡ khó” cho doanh nghiệp (DN) bất động sản của Sở Xây dựng TP đều là những dự án có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng.
Những nội dung tháo gỡ khó khăn gồm 8 nhóm vấn đề, trọng tâm là cách hiểu và vận dụng quy định quyền sử dụng đất ở hợp pháp khi thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở; xử lý phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trong các dự án nhà ở (đất xen cài giữa các thửa đất, đất mương rạch…). 
Theo Sở Xây dựng, từ tháng 12-2015 (thời điểm Nghị định 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực) đến nay, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư 63 dự án nhà ở thương mại nói trên. Tất cả các dự án này đều được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt; 3/63 dự án đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở, 2/63 dự án đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng là để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở.
Về tiến độ dự án, 45/63 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực thi hành (chiếm 71,4%); 11/63 dự án đã được chấp thuận đầu tư  (chiếm 17,5%), trong đó có một dự án đã được cấp giấy chứng nhận, một dự án đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, 3 dự án đã ban hành Quyết định thu hồi, giao đất chuyển mục đích sử dụng đất.
Để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trên, Sở Xây dựng có văn bản trình UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án “Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp”. Theo đó, “Diện tích đất có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt, hoặc đã có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở, hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi giải phóng mặt bằng là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thì diện tích đất đó được coi là đất ở”.
Nếu được chấp thuận phương án nói trên, UBND TPHCM kiến nghị, với 45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực thì thành phố sẽ thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015. 18 dự án còn lại, thành phố sẽ hướng dẫn DN tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư dự án. 
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận, UBND TPHCM đưa ra hướng: đối với 58 dự án (gồm 45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực, 7 dự án còn hiệu lực chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa công nhận chủ đầu tư và 6 dự án đã chấp thuận đầu tư nhưng chưa ban hành quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất), thì nhà đầu tư sẽ thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Còn 5 dự án, trường hợp yêu cầu chủ đầu tư thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư và công nhận chủ đầu tư theo Luật Nhà ở, thì phải hủy bỏ các quyết định thu hồi, giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, hoặc Nhà nước phải hoàn trả lại nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư đã thực hiện.
“Việc này sẽ phát sinh yêu cầu về bồi thường Nhà nước hoặc khiếu nại của chủ đầu tư. Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hoàn tất các thủ tục đầu tư tiếp theo và triển khai thực hiện dự án theo quy định”, ý kiến tham mưu của Sở Xây dựng cho UBND TPHCM nêu.
ĐỖ TRÀ GIANG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm