Theo ông Hà, ngày 8-4-2021, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển và ứng dụng KH-CN vũ trụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nhiệm vụ xây dựng Trung tâm khám phá khoa học TP Quy Nhơn trở thành một trung tâm đặc biệt truyền bá kiến thức khoa học phổ thông, nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ vũ trụ của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.
Ngày 16-3-2023, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, Bình Định đề xuất nội dung muốn Bộ hỗ trợ Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo bình Định phát triển thành cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ.
Nhà mô hình vũ trụ, các đài quan sát thiên văn hiện đại đã được đầu tư ở Quy Nhơn |
Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (KPKH-ĐMST) Bình Định hiện đã được đầu tư xây dựng với cơ sở vật chất trạm quan sát thiên văn phổ thông, sử dụng hệ thống kính thiên văn quang học CDK600Q với ống kính CDK24 có đường kính ống 0.6m, khẩu độ f/6.5 của hãng Planewave (Hoa Kỳ). Đây là dòng kính thiên văn có khả năng thực hiện các đề tài nghiên cứu ở cấp độ đại học và sau đại học. Ngoài ra, trung tâm này đã đầu tư 1 số kính thiên văn phổ thông nhỏ phục vụ giáo dục, phổ biến khoa học vào công chúng.
Sở KH-CN đưa ra một số cơ sở pháp lý đề án, bên cạnh chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030 của Chính phủ, Thông báo kết luận giữa cuộc làm việc của Bộ KH-CN với tỉnh này hồi giữa tháng 3-2023 cũng đã thống nhất đề án. Ngoài ra, Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt cũng thể hiện chi tiết, quyết tâm tỉnh trong hiện thực dự án.
Mục tiêu dự thảo đề án, Bình Định nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế đào tạo cán bộ có trình độ cao trong lĩnh vực thiên văn và công nghệ hàng không, vũ trụ tại Trung tâm KPKH-ĐMST.
Bên cạnh đó, Sở KH-CN tỉnh Bình Định đề xuất phương án, danh mục đầu tư phát triển nguồn lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để Trung tâm KPKH-ĐMST Bình Định thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực KH-CN vũ trụ.
Trung tâm Trí tuệ nhân tạo hình thành ở khu đô thị khoa học Quy Hòa, Quy Nhơn. Ảnh: DŨNG NHÂN |
Trước mắt, Trung tâm KPKH-ĐMST tỉnh sẽ tập trung cho lĩnh vực viễn thám; công nghệ chế tạo vệ tinh; thực hiện các đề tài, nhiệm vụ KH-CN vũ trụ; nghiên cứu tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; đào tạo, phổ biến kiến thức và hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực KH-CN vũ trụ…
Nguồn cơ sở có sẵn, gồm: đài thiên văn Quy Nhơn diện tích 800m2, máy móc, trang thiết bị hiện có tại Trạm Quan sát thiên văn phổ thông ở Trung tâm KPKH-ĐMST Bình Định. Về nhân sự, hiện trung tâm này có 2 chuyên gia thiên văn học, 2 nhân viên chuyên ngành và sẽ được hỗ trợ về mặt khoa học của các nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành – ICISE, gồm: Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam; Nhóm Vật lý thiên văn quốc tế SAGI và các đối tác trong nước...
Mô hình vũ trụ, các hành tinh độc đáo thể hiện sống động tại Trung tâm khám phá khoa học Bình Định |
Theo Sở KH-CN Bình Định, năm 2024, ngành chức năng Bình Định lấy ý kiến chuyên môn về tình hình nghiên cứu khoa học trong nước, quốc tế để định hướng đề tài, đề cương. Năm 2025, địa phương xây dựng và trình đề án để cấp thẩm quyền phê duyệt; giai đoạn 2026 – 2030 đầu tư cơ sở vật chất, trang bị, nhân lực; năm 2030 đánh giá lại năng lực hoạt động để đề xuất đầu tư cụ thể.