Thời sự - Bình luận

Đền đáp ơn sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 75 năm năm qua, việc quan tâm, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội thực hiện tận tình, chu đáo. Tất cả đều chung một tâm nguyện: đền đáp sự hy sinh, cống hiến của những người sẵn sàng vì nước quên thân.

Sáng 26-7, Bảo tàng tỉnh sẽ khai mạc triển lãm chuyên đề “75 năm đền đáp ơn sâu”. Với khoảng 300 hình ảnh, tư liệu, hồ sơ, hiện vật, triển lãm được bố cục thành 3 phần với các chủ đề: Những đóng góp to lớn của liệt sĩ, thương binh và người có công trong lịch sử cách mạng Việt Nam; Chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; Gia Lai với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Các hình ảnh, tư liệu sẽ mang đến cho người xem những góc nhìn bao quát, đầy đủ, nhân văn về công tác đền ơn đáp nghĩa trong suốt 75 năm qua.

 Một số hồ sơ cán bộ đi B sẽ được Bảo tàng tỉnh trưng bày tại triển lãm chuyên đề “75 năm đền đáp ơn sâu”. Ảnh: Phương Duyên
Một số hồ sơ cán bộ đi B sẽ được Bảo tàng tỉnh trưng bày tại triển lãm chuyên đề “75 năm đền đáp ơn sâu”. Ảnh: Phương Duyên


Đặc biệt, tại triển lãm lần này, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Gia Lai giới thiệu một số tư liệu, hồ sơ của cán bộ đi B lần đầu tiên được trưng bày. Theo quy định, những cán bộ lên đường vào miền Nam chiến đấu chỉ được mang theo những đồ dùng sinh hoạt cá nhân do Ủy ban Thống nhất Chính phủ cấp phát. Tất cả tư trang hành lý, tài sản cá nhân, kỷ vật đều phải gửi lại, bao gồm: đơn xin tình nguyện đi B, sổ tiết kiệm, phiếu công trái, các loại huân huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen, ảnh, thư từ, nhật ký (gọi chung là hồ sơ cán bộ đi B). Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Nguyễn Thị An cho hay: “Hồ sơ cán bộ đi B là những tư liệu quý. Ban tổ chức hy vọng triển lãm lần này sẽ góp phần giúp thân nhân của các cán bộ đi B nhận lại kỷ vật của người thân, từ đó có thêm cơ sở để giải quyết các chế độ liên quan. Đây cũng là một cách bày tỏ lòng tri ân của chúng tôi”.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, UBND tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng gồm: thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ; gặp mặt người có công tiêu biểu, thân nhân liệt sĩ; vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện chính sách, chăm lo đời sống người có công; tôn tạo, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ tại các địa phương… Từ ngày 19 đến 25-7, 17 đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu. Sự quan tâm sâu sắc, những lời thăm hỏi chân tình là động lực để các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Trong những ngày tháng 7 thiêng liêng, nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa khác cũng được tổ chức. Chiều 23-7, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy long trọng tổ chức lễ trao quyết định nhận phụng dưỡng đến cuối đời 10 thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng tỉnh Gia Lai. Cũng với tinh thần tri ân sâu sắc, trong năm 2022, Tổng Công ty xây tặng 5 căn nhà (trị giá 80 triệu đồng/căn) cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh, qua đó thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, chia sẻ khó khăn với các gia đình chính sách cũng như chung tay cùng địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội. Ngoài ra, 28 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang nhận phụng dưỡng 14 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh. Không chỉ trong tháng 7, công tác chăm lo gia đình chính sách còn được quan tâm thực hiện thường xuyên với các hoạt động: xây tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sinh kế…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Trước lúc đi xa, Người vẫn không quên căn dặn trong Di chúc: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Lời dạy của Người đã trở thành kim chỉ nam trong công tác đền ơn đáp nghĩa, trở thành truyền thống quý báu của dân tộc. Không chỉ sưởi ấm ngôi nhà các gia đình thương binh và thân nhân liệt sĩ, những hoạt động trên còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Bởi từ lòng biết ơn, mỗi người sẽ càng thêm trân trọng cuộc sống và những gì đang có để sống ý nghĩa hơn, cống hiến nhiều hơn, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ “Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi/Ra đi, ra đi thà chết không lui”.

 

 PHƯƠNG DUYÊN

 

Có thể bạn quan tâm