Trong thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân trồng cây dược liệu như gấc, đương quy, đinh lăng ở huyện Cư Jút (Đắk Nông) đang "đứng ngồi không yên" vì vườn cây, quả đến lúc thu hoạch nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm bỗng dưng "trở quẻ", "chạy làng".
Sự việc một số nhóm hộ thực hiện chuỗi liên kết trồng dược liệu với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nhưng không được đối tác giữ cam kết đã và đang khiến bà con gặp “thất bại kép”, vì họ không bán được sản phẩm và còn phải gánh theo khoản nợ đầu tư cho vườn dược liệu.
Bán giống xong... "chạy làng"
Từ năm 2013, cây gấc do HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Nam Hà, ở xã Tâm Thắng đưa về trồng tại Cư Jút và được ví như là một loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác. Vì vậy, sau vài năm, toàn huyện có khoảng 100 hộ trồng gấc, với diện tích là 110 ha. Nhưng hiện tại, do sản phẩm làm ra không bán được nên nhiều hộ đã phá bỏ.
Đơn vị liên kết không bao tiêu sản phẩm, bà Nguyễn Thị Mai ở thôn 4, xã Tâm Thắng (Cư Jút) phải mang gấc ra chợ bán
Gia đình bà Nguyễn Thị Mai, ở thôn 4, xã Tâm Thắng trồng được 4 sào gấc. Từ khi vườn gấc cho trái, bà phải tự đi tìm đầu ra. Bà Mai cho biết: “Với 4 sào gấc, mỗi năm cũng cho sản lượng trên 10 tấn quả. Thế nhưng chúng tôi phải mang ra chợ bán lẻ từng kg”.
Theo bà Mai thì khi mới trồng, gia đình bà được HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Nam Hà cung cấp giống và cam kết thu mua với giá 7.000 đồng/kg, nhưng về sau chẳng thấy ai đến thu mua.
Còn tại xã Nam Dong, gia đình ông Lê Văn Tự, ở thôn Tân Bình cũng trồng 5 sào gấc. Ông Tự cho biết: “Khi xuống giống, mọi việc tưởng chừng rất sáng sủa. Nhưng bây giờ, HTX không thu mua quả gấc nên tôi gặp không ít khó khăn”.
Theo ông Vũ Trung Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Dong thì đầu năm 2018, người dân xã Nam Dong đã được HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà cung ứng giống trồng 5 ha gấc và cam kết bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá từ 6.000 – 7.000 đồng/1 kg. Diện tích tập trung nhiều ở các thôn 11, 16, thôn Tân Ninh và thôn Tân Bình. Tuy nhiên, thực tế thì niềm vui của người nông dân chưa trọn vẹn mà nỗi lo lại tới khi toàn bộ sản phẩm đến thời kỳ thu hoạch, HTX này lại không thực hiện cam kết bao tiêu.
Không chỉ có cây gấc là “tắt đầu ra” mà các hộ nông dân trồng đinh lăng trên địa bàn huyện cũng được một doanh nghiệp đến tư vấn, cung cấp giống và cam kết thu mua từ gốc tới ngọn. Giá cây giống vào lúc cao điểm là 6.000 – 7.000 đồng/bầu. Mỗi ha trồng thuần cũng lên đến trên 2.500 gốc đinh lăng. Vì vậy, kinh phí đầu tư giống ban đầu khi trồng đinh lăng cũng không hề nhỏ.
Tuy nhiên, với cam kết từ phía doanh nghiệp (giờ người dân không biết đích thực họ là ai - PV) là khi cây đinh lăng trồng được 3 năm trở lên, đơn vị cung ứng giống này sẽ thu mua phần thân, lá với giá trên 30.000 đồng/kg, riêng phần củ từ 3 năm trở lên mỗi kg có giá trên 100 ngàn đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp bán giống cũng “biệt tăm”, chỉ có một số thương lái đến mua đinh lăng của bà con với giá quá "bèo” là không mua thân, lá, chỉ mua củ rễ với giá 45.000 đồng/kg. Với giá mua như vậy, hộ dân trồng đinh lăng không những "vỡ mộng làm giàu" mà còn thua lỗ nặng. Không những vậy, doanh nghiệp cung ứng giống còn bán cho bà con giống đinh lăng lá lớn, không có giá trị dược tính nên trồng ra rất khó bán.
Gia đình anh Phạm Đức Tráng ở thôn 1, xã Cư K’nia (Cư Jút) trồng phải giống đinh lăng lá lớn, không có giá trị dược tính, nên vườn đinh lăng 3 - 5 tuổi phải nhổ bỏ
Anh Phạm Đức Tráng, ở thôn 1, xã Cư K’nia cho hay: “Nghe bảo trồng đinh lăng lá lớn cho năng suất cao hơn nên tôi đã trồng gần 1.000 gốc. Kêu bán chẳng ai mua, bây giờ còn mất tiền thuê công đào bỏ”. Theo anh Tráng, phong trào trồng đinh lăng bùng phát ở nhiều vùng trong huyện, bây giờ bán không được thì nông dân chịu thiệt. Chỉ có doanh nghiệp bán giống là thu lợi thôi.
Tương tự, năm 2017, có 7 hộ dân tại xã Cư K'nia đã tham gia ký hợp đồng liên kết trồng sâm đương quy với Công ty Cổ phần Dược liệu Solavina trong thời hạn 1 năm trên diện tích 2,5 ha. Trong đó, theo hợp đồng, mỗi ha, phía Công ty Solavina chi ra trước 80 triệu đồng tiền giống (sẽ thu lại sau), hỗ trợ kĩ thuật chăm sóc, bao tiêu đầu ra với giá 15-16 ngàn đồng/kg. Người dân chịu 120 triệu đồng chi phí tiền phân bón, ống nước, béc tưới…
Để giúp người dân phát triển sản xuất, địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ trồng đương quy vay với tổng số vốn là 200 triệu đồng. Thế nhưng, đến tháng thứ 5, dự kiến còn khoảng 3 tháng nữa sẽ thu hoạch, các vườn đương quy đồng loạt xuất hiện nấm bệnh thì Công ty này đã "bặt vô âm tín". Trước tình trạng đó, huyện Cư Jút đã liên lạc và nhiều lần mời Công ty Cổ phần Solavina làm việc để giải quyết hợp đồng đã ký kết giữa Công ty với các hộ trồng dược liệu, nhưng đại diện Công ty này không tham gia và sau đó thì không liên lạc được (?).
Ba sào cây đương quy của bà Nguyễn Thị Bảy ở thôn 11, xã Cư K’nia (Chư Jút) phát triển kém, không đạt chất lượng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc
Không để nông dân mất niềm tin
Tình trạng các loại cây dược liệu đinh lăng, gấc, đương quy đã và đang trong thời kỳ thu hoạch, nhưng các công ty ký liên kết “bỏ rơi” nông dân đã gây nên tâm lý hoang mang cho bà con.
Điều đáng nói, việc doanh nghiệp nóng vội đưa một số cây dược liệu về trồng nhưng chưa đánh giá kỹ lưỡng điều kiện thời tiết, đất đai. Đặc biệt, các doanh nghiệp, HTX chưa chủ động được thị trường đầu ra nhưng lại cam kết với nông dân, ồ ạt bán với số lượng lớn cây giống (đinh lăng, gấc) để rồi đơn phương phá vỡ hợp đồng liên kết khiến nông dân chịu thiệt đang đặt ra một câu hỏi là liệu có dấu hiệu lừa đảo?.
Trong khi đó, bà con chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây dược liệu trên diện tích trồng liên kết phát triển kém, không đạt chất lượng, yêu cầu. Sản phẩm không được bao tiêu, nông dân bán ra thị trường bị ép giá, mua với giá rẻ.
Về lâu dài, ngành Nông nghiệp huyện cần sớm bố trí lại sản xuất, với các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương, đặc biệt là thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, nông dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác về những đơn vị trá hình liên kết để bán giống, có sự phối hợp với chính quyền địa phương theo chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các nhà “Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông” nhằm hạn chế những rủi ro trong quá trình hợp tác sản xuất.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Công văn số 4611/2018 về việc kiểm soát liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, UBND huyện Cư Jút cũng đã giao cho Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện phối hợp với đơn vị liên quan chủ động liên hệ với các doanh nghiệp trong, ngoài huyện để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, trước tiên là cây đương quy, giúp hộ dân vượt qua khó khăn.
|
Dân Việt/Theo Văn Tâm (Báo Đắk Nông)