Vật vã trèo đèo, leo dốc, rã rời mới được tựa lưng vào gốc xù xì nhưng ngào ngạt hương và chiêm ngưỡng cả một cánh rừng sa mu cổ thụ hàng nghìn năm tuổi.

Chiêm ngưỡng “Cây di sản Việt Nam”
Ngày xuân rỗi rãi lại nhớ đến “kho vàng trên mù mây”, đó là kho báu vô giá nằm ở miền tây Nghệ An. Nhớ lần được theo chân các anh cán bộ Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) ngồi xe ô-tô bán tải thẳng tiến trên độc đạo hướng tây nam ngược thượng nguồn khe Choăng qua bản Diềm của người Thái, khe Bu, khe Nà của người Đan Lai và qua Đồn Biên phòng Châu Khê thuộc địa bàn xã Châu Khê, huyện Con Cuông, từ đây “theo dấu chân nai”, chúng tôi lội bộ vào vùng lõi đại ngàn Vườn Quốc gia Pù Mát sát biên giới Việt - Lào. Hơn một ngày chui luồn trong thâm u và những mảnh ánh sáng yếu ớt của tiết trời mùa đông rót xuống qua kẽ lá và vật vã treo đèo, leo dốc mới được tựa lưng vào gốc xù xì nhưng ngào ngạt hương của cây sa mu dầu cổ thụ hơn nghìn năm tuổi. Cây sa mu dầu có chiều cao khoảng 70 m, đường kính thân cây hơn 5,5 m. Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát ngày đó cho biết: Cây sa mu dầu này nằm ở tọa độ 0453300 - 2100600, có tên khoa học là Cunninghamia konishii hayata, thuộc họ Hoàng đàn Taxodiaceae, theo người dân địa phương, tiếng Thái Con Cuông gọi cây sa mu dầu là cây mậy pẹc. Cây sa mu chủ yếu phân bố trong những cánh rừng nguyên sinh chạy dọc biên giới Việt - Lào, khu vực hỗn giao giữa cây lá rộng và cây lá kim, với độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, và là nơi có độ dốc từ 12 độ đến 40 độ. Riêng cây sa mu dầu đã hơn nghìn năm tuổi, hiện vẫn phát triển bình thường, có tán lá thưa, hình nón hẹp, thân thẳng, không có bạnh.
Lại nhớ lần theo cán bộ kiểm lâm và cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương luồn sâu trong tít tắp rừng già xã Tam Hợp, sát với biên giới Việt - Lào. Cả khu rừng nằm ở dải bắc Trường Sơn nằm gần kề với vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, độ cao hơn một nghìn mét so với mực nước biển. Nơi đây có khí hậu á ôn đới quanh năm mát lạnh, mây mù thường bao phủ nên tạo ra hệ sinh thái hết sức đa dạng, trong đó có loài cây sa mu, pơ mu. Tại đây chúng tôi thấy rừng sa mu cổ thụ bạt ngàn, những cây có đường kính 4-5 người ôm không xuể, một số thân cây to lớn đổ xuống, mục ruỗng. Theo cán bộ kiểm lâm, trước đây, đồng bào dân tộc H’Mông ở đây thường vào rừng lấy về làm ván thưng và lợp mái nhà. Có lẽ đã lâu không ai đặt chân đến cánh rừng này vì bà con đã được tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và được lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt.
Được biết, tại Nghệ An, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới nằm ở miền núi phía tây có tổng diện tích 1.303.285 ha đã được công nhận vào tháng 9/2007. Đây là hành lang xanh kết nối ba vùng lõi gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát nằm ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương; Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống nằm ở huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nằm ở huyện Quế Phong. Trong đó, Vườn Quốc gia Pù Mát là trung tâm, với sự đa dạng sinh học rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng, bao gồm: núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Trong khu vực, có 1.297 loài thực vật đã được điều tra và ghi nhận, trong đó có cây sa mu. Cũng chính vì vậy mà dọc tuyến biên giới Việt - Lào, từ huyện Quế Phong kéo sang các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, rất nhiều cánh rừng sa mu đã được xác định và kiểm đếm. Đặc biệt, kể từ năm 1998, khi một nhóm chuyên gia điều tra đa dạng sinh học phát hiện cây sa mu cổ thụ có đường kính 5,4 m, cao khoảng 40 - 50 m ở Vườn Quốc gia Pù Mát, đến nay đã có hàng chục cây sa mu cổ thụ ở Nghệ An được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản.

Những thủ lĩnh hồi sinh những cánh rừng sa mu dầu
Dẫu vậy, thực trạng hiện nay việc quản lý, bảo vệ rừng nói chung và những rừng sa mu, pơ mu quý hiếm nói riêng vẫn là điều đặt ra đối với cơ quan chức năng và là những điều luôn canh cánh đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Trạm trưởng Kiểm lâm địa bàn xã Tam Thái, thuộc Hạt Kiểm lâm Tương Dương Trần Văn Sỹ chia sẻ: “Áp lực trước những đối tượng xấu đang ngày đêm nhòm ngó đến những cây gỗ quý trong rừng. Nhưng nhờ có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các chủ rừng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng biên phòng nên những cánh rừng sa mu vẫn được giữ vững”.
Tại huyện Kỳ Sơn, sau năm 1990, gỗ sa mu dầu trở nên hiếm hoi do bị khai thác quá mức. Ông Vừ Pà Rê, nguyên là cán bộ lãnh đạo xã Tây Sơn, rất tiếc nuối trước những cánh rừng sa mu dầu và pơ mu nơi quê hương mình đang dần bị triệt hạ. Năm 1996, ông đã cùng các con đi vào rừng tìm giống cây con đem về trồng trên những quả đồi trọc gần bản. Một gia đình ba thế hệ thay phiên nhau trồng mới và bảo tồn rừng pơ mu rộng lớn với hàng vạn cây quanh năm xanh tốt. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 30 ha rừng được phủ xanh bởi cây pơ mu và sa mu dầu với đường kính từ 30 - 50 cm. Hộ dân này đã biến vùng đất trống, đồi trọc ngày nào thành cánh rừng pơ mu, sa mu bạt ngàn không chỉ mang giá trị lớn về mặt thương phẩm mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái cho vùng núi cao này. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn xã Tây Sơn đã có gần 100 ha, trong đó rừng pơ mu gần 90 ha, sa mu hơn 10 ha tập trung ở các bản Huồi Giảng 1, Huồi Giảng 2 và Huồi Giảng 3.
Điển hình khác ở xã Huồi Tụ, hơn 20 năm trước, xót xa khi nhìn thấy sự tàn phá nặng nề của những cánh rừng chỉ còn đất trống đồi trọc, ông Vừ Chả Chống đã sang tận xã Tây Sơn cách đó gần 50 km tìm giống cây pơ mu, sa mu về trồng. Sau hơn 20 năm trồng và chăm sóc, giờ ông Vừ Vả Chống đã sở hữu khu rừng rộng hơn 7 ha với hàng nghìn cây pơ mu và sa mu cao lớn quý hiếm. Nay cánh rừng pơ mu, sa mu nay đã được ông Vừ Vả Chống mở rộng với tổng cộng gần 20 ha. Tại huyện Quế Phong, được sự tuyên truyền và hướng dẫn của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, người dân ở một số vùng sâu sau khi biết cây sa mu dầu là loài thực vật quý, hiếm cũng đã tìm kiếm giống cây con về trồng và cây đang sinh trưởng tốt.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt rộng 86 nghìn ha cũng đang nhân giống sa mu để trồng. Hiện có thể khẳng định việc ươm giống cây sa mu của đơn vị này đã thành công, mở ra một hướng khả quan cho việc bảo tồn nguồn gien giống cây quý. Thời gian tới, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt sẽ kết hợp với người dân, hướng dẫn, hỗ trợ họ trồng thí điểm ở một số vùng. Nhưng để bảo vệ và phát triển “kho vàng trên mù mây” này vẫn là thách thức lớn!
Theo các nhà nghiên cứu, cây sa mu dầu là nguồn gien quý đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, xếp vào nhóm nguy cấp, quý, hiếm. Gỗ của sa mu dầu tương đối nhẹ nhưng rất bền, không bị mối mọt, có hoa vân, mầu sắc đẹp và đặc biệt có mùi thơm rất đặc trưng. Dựa trên những mẫu gỗ thu thập được đã chứng minh sa mu dầu cũng chính là ngọc am. Hiện cây sa mu dầu đang được Vườn Quốc gia Pù Mát bảo vệ rất nghiêm ngặt. Cây sa mu dầu ở Vườn Quốc gia Pù Mát cũng đã được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.
Theo Minh Thư (NDĐT)