Phóng sự - Ký sự

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Di tích cấp quốc gia

Dịp xuân mới Ất Tỵ 2025, UBND huyện Cao Lộc tổ chức khai mạc Lễ hội xuân và đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia “Di tích lịch sử pháo đài Đồng Đăng”. Ông Sái Vĩnh Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng chia sẻ: Pháo đài Đồng Đăng do Thực dân Pháp xây dựng từ năm 1940, với kiến trúc 3 tầng, chiều rộng 60m, chiều dài 100m, bên trong được thiết kế phức tạp. Tầng cao nhất được làm nơi quan sát, tầng thứ hai có đủ các phòng và lỗ châu mai để chiến đấu, tầng thứ 3 là nơi chứa quân trang, đạn dược, lương thực, phòng họp...

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, pháo đài là cứ địa quan trọng, trở thành lô cốt “bất khả xâm phạm”, một căn cứ quân sự vững chắc trong tuyến phòng thủ quân sự hành lang biên giới phía Bắc. Chính vì vậy, sau thất bại chiến dịch Đông Khê (Cao Bằng), Thất Khê (Lạng Sơn), quân Pháp đã kịp dùng thuốc nổ để phá hoại pháo đài nhằm không cho quân ta chiếm giữ một điểm quân sự quan trọng. Tuy nhiên, do được thiết kế kiên cố bằng bê-tông cốt thép nên pháo đài chỉ bị hư hỏng nhẹ.

Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, pháo đài Đồng Đăng đã thành khúc tráng ca, tượng trưng cho tinh thần bất khuất, anh hùng của quân dân xứ Lạng trong cuộc chiến chống quân xâm lược vào sáng 17/2/1979. Tại đây, quân dân các dân tộc Lạng Sơn đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để giữ trận địa trọng yếu này. Không thể chiếm được Pháo đài, kẻ địch đã dùng khoảng 10 tấn thuốc nổ đánh sập cửa pháo đài, làm pháo đài bị hư hại nghiêm trọng.

UBND tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Đề án 358/ĐA-UB về dự kiến thành lập thị xã Đồng Đăng. Trên lộ trình thực hiện đề án này, đầu năm 2016, Bộ Xây dựng đã công nhận thị trấn Đồng Đăng mở rộng là Đô thị loại IV.

Sau này, khu đất pháo đài Đồng Đăng được UBND tỉnh Lạng Sơn giao quyền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn quản lý với diện tích 50.030 m2 thuộc đất an ninh quốc phòng. Pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích cấp tỉnh và ngày 31/12/2024, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận di tích quốc gia.

“Đây là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đấu tranh giữ nước kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, chính vì vậy, địa phương có kế hoạch lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của lũy thép này”, ông Sái Vĩnh Chung nói.

Nghi lễ trao Bằng di tích cấp quốc gia pháo đài Đồng Đăng cho lãnh đạo địa phương.
Nghi lễ trao Bằng di tích cấp quốc gia pháo đài Đồng Đăng cho lãnh đạo địa phương.

Thường xuyên có mặt tại pháo đài Đồng Đăng thực hiện công quả, gần 30 chị em nhóm thiện tâm thị trấn Đồng Đăng rất đỗi vui mừng. Bà Vi Thị Bích Kỳ, Trưởng nhóm thiện tâm cho biết, trước sự kiện đón nhận di tích quốc gia, người dân địa phương xúc động. Anh linh của những chiến sỹ hy sinh, đồng bào tử nạn trong các hầm sâu pháo đài được an ủi, siêu thoát…

“Từ đầu tháng 2 đến nay có rất nhiều đoàn đại diện cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể của địa phương, các cựu chiến binh và thân nhân các liệt sĩ đã trở về pháo đài Đồng Đăng thắp tâm nhang. Nhiều người coi lũy thép này tựa như pháo đài Brest - biểu tượng của sức kháng cự kiên cường của quân dân Xô-viết trước sự tấn công của Đức quốc xã. Có thể, lòng yêu nước, sự dũng cảm, ý chí kiên cường của các dân tộc trên thế giới đều cháy bỏng, có sức mạnh vô biên mỗi khi Tổ quốc, quê hương bị quân xâm lược…”, bà Vi Thị Bích Kỳ xúc động nói.

Linh thiêng miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng là di tích cấp quốc gia.
Pháo đài Đồng Đăng là di tích cấp quốc gia.

Thị trấn Đồng Đăng cách thành phố Lạng Sơn khoảng 14 km và là giao điểm của các tuyến: Quốc lộ 1A, 1B, 4A với diện tích tự nhiên 702 ha. Thị trấn nằm trong Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, là một trong những khu kinh tế cửa khẩu có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Địa bàn là nơi cư trú của 4 dân tộc chính: Kinh, Tày, Nùng, Hoa. Qua đó, tạo cho thị trấn một hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng.

Tại thị trấn Đồng Đăng hiện có 4 điểm di tích lịch sử (Cột mốc số 0, Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ - Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Nhà bia Thủy Môn Đình, Pháo đài Đồng Đăng) và 3 điểm di tích kiến trúc nghệ thuật (Đền Cô Đôi, Đền Mẫu Đồng Đăng, Đền Quan). Về di sản văn hóa phi vật thể, mảnh đất này lưu giữ và diễn ra tập quán văn hóa của người Tày, Nùng với lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng còn bảo tồn được những nét văn hóa dân gian đặc sắc như: hát Then, Sli, Lượn…

Toàn cảnh thị trấn Đồng Đăng. Ảnh: Duy Chiến.
Toàn cảnh thị trấn Đồng Đăng. Ảnh: Duy Chiến.

Bà Nguyễn Thị Lợi, sinh sống tại khu Lò Rèn, thị trấn Đồng Đăng chia sẻ: Tôi vẫn thường đến Đền Mẫu Đồng Đăng thực hiện công quả. Đền Mẫu Đồng Đăng là nơi thờ tự tín ngưỡng Thánh Mẫu Liễu Hạnh và các đức Phật. Tương truyền, Đền Mẫu Đồng Đăng chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Trạng Bùng và Mẫu Liễu Hạnh. Câu chuyện này có nhiều tình tiết kỳ bí và đến nay vẫn là một giai thoại hấp dẫn xoay quanh Đền Mẫu Đồng Đăng.

Trong dịp pháo đài Đồng Đăng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, địa phương cũng tổ chức khai trương phố đi bộ Đồng Đăng trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ, đường Nam Quan, ngõ 5 đường Hoàng Văn Thụ và ngõ 6 Nam Quan thị trấn Đồng Đăng với tổng chiều dài 1.442m. Có 230 hộ đăng ký tham gia buôn bán về đêm khi tuyến phố bắt đầu đi vào hoạt động. Đồng thời mở 26 kiot trưng bày các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Ông Sái Vĩnh Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng cho biết: Thị trấn Đồng Đăng là trung tâm kinh tế, thương mại sầm uất của huyện Cao Lộc nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Trong những năm qua, cấp ủy chính quyền, nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh, phát triển. Nhất là trong năm 2024, nhiều chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội đạt và vượt. Là địa phương giàu bản sắc nên du khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn tăng lên rõ rệt, mỗi năm có khoảng 70.000 lượt khách đến du xuân và trẩy hội. Nhờ vậy, tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng theo từng năm, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao…

Chúng tôi hòa mình vào dòng người hướng về Đền Mẫu Đồng Đăng cùng tâm hướng chiêm bái mọi sự tốt lành, quốc thái dân an. Buổi chiều, ánh nắng xuân chan hòa phủ một màu vàng tươi sáng trên thị trấn nhỏ hiền hòa mà kiên trung trên rẻo đất miền biên viễn.

(còn nữa)

Đồng Đăng, cận ngày 17/2/2025

Theo Nguyễn Duy Chiến (TPO)

Có thể bạn quan tâm