Một ngày của các sơ trong cô nhi viện bắt đầu từ 4h sáng, khi các con vẫn còn đang say giấc. Vì nếu không dậy sớm thì không thể kịp lo cho mấy chục đứa trẻ cùng lúc, để các em kịp giờ đến trường.
![Cậu bé Nguyễn Hoàng Phúc Hưng và bé Nguyễn Hồng Na Ry luôn được các sơ chăm lo Cậu bé Nguyễn Hoàng Phúc Hưng và bé Nguyễn Hồng Na Ry luôn được các sơ chăm lo](https://cdn.baogialai.com.vn/images/5280d79736bf637b83d5add7c6a143af77b37795a5465481c9043fac7e59c2d28f92ff623afdb7a061c40b4e886589a1abb872457e02d5e441824a1d418e465e/anh-1-66-6994-9351-4937.jpg)
Đúng 11h các em đi học về, những đứa lớn phụ giúp các sơ dọn cơm, chăm em… Những em bé không bình thường, với ánh mắt, nụ cười trẻ thơ ngây ngô.
Sơ Chung tâm sự, một nuôi một đứa trẻ bình thường khôn lớn đã khó, nuôi mấy chục đứa trẻ mang trong mình tổn thương tâm lý từ nhỏ còn khó hơn rất nhiều. Một ngày của các sơ chỉ xoay quanh các con, hết chăm đứa này lại lo cho đứa khác, các sơ không có nổi một chút thời gian cho bản thân. Có những bé bị suy dinh dưỡng nặng, các sơ phải đút từng muỗng cháo, vừa dỗ dành vừa vỗ về. Có những bé bị bại liệt, không thể tự ngồi, các sơ phải tập vật lý trị liệu mỗi ngày, hy vọng một ngày nào đó bé có thể đứng lên.
Vất vả nhọc nhằn là thế, vậy mà hơn nửa thế kỉ trôi qua, lần lượt những đứa trẻ ở cô nhi viện lớn lên, rời khỏi cô nhi viện để tự tìm hạnh phúc cho riêng mình. Rồi lại có những đứa trẻ mồ côi khác đến với cô nhi viện, đến với các sơ, như một vòng tuần hoàn của số phận. Ngần ấy năm, trải qua nhiều đời sơ phụ trách, các sơ ở đây vẫn luôn là những người mẹ tận tâm, chăm lo đầy đủ cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ.
Gắn bó với cô nhi viện suốt hơn 7 năm qua, sơ Nguyễn Thị Liễu chia sẻ, nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó, nuôi những đứa trẻ khuyết tật, bệnh tật lại càng khó hơn. Nhưng các sơ chưa từng thấy mệt mỏi. “Nhìn các con lớn lên, biết đọc, biết viết, có nghề nghiệp ổn định, là chúng tôi cảm thấy vui rồi”, sơ Liễu nói.
Các con chính là Hồng Phúc...
Hiện tại cô nhi viện Phú Hòa có 6 sơ, đang nuôi nấng 33 em. Trong đó, em nhỏ nhất chưa đầy 1 tuổi, em lớn nhất đã đi học đại học. Mỗi đứa trẻ được đưa đến đây đều mang hoàn cảnh đặc biệt khác nhau. Có bé bị bỏ rơi trước cổng cô nhi viện, có bé thì được tìm thấy ở chân cầu, có bé lại được phát hiện dưới gốc cây, trong trạng thái tím tái, kiến cắn sưng phù toàn thân...
Sơ trưởng Nguyễn Thị Kim Hà kể rằng: “Rạng sáng, thức dậy đi lễ nhà thờ, mỗi lần nghe tiếng trẻ khóc bên ngoài là mái ấm có thêm một thành viên mới. Nhiều đứa trẻ bị bỏ lại ngay trước cổng, dưới gầm cầu, có em còn đỏ hỏn, còn nguyên dây rốn, có em bị dị tật bẩm sinh... Nhưng dù là ai, thì nơi đây vẫn dang tay đón nhận như một món quà mà ơn trên ban tặng.
Sơ Hà nhớ lại, không phải bé nào khi được đưa về cũng đều lành lặn và bình thường. Có bé bị bỏ trong thùng mì tôm, lùm cây... có bé khi được phát hiện tưởng chừng như không cứu được nữa, nhưng rồi các sơ cố gắng dốc lòng chạy chữa, cùng nhau cầu nguyện để giành giật các con từ bàn tay của “tử thần”.
Bé Nguyễn Hoàng Phúc Hưng được phát hiện trong một bãi mía gần cô nhi viện vào một ngày cận Tết lạnh buốt. Lúc nhìn thấy Hưng, em còn chưa được cắt dây rốn, toàn thân tím tái. Các sơ nhanh chóng mang em vào nhà và sưởi ấm cho em. Tuy nhiên, niềm vui cứu sống được em chưa trọn vẹn thì các sơ phát hiện ra em bị bại não.
Sau nhiều lần đưa Hưng đi khắp nơi chữa trị nhưng không được, bác sĩ bảo em chỉ có thể sống đến 5 tuổi. Vậy mà, như một điều kì diệu, dưới sự kiên trì chăm sóc và che chở của các sơ tại đây, đến nay Phúc Hưng đã 13 tuổi và vẫn đang sống vui vẻ trong tình yêu thương của các sơ, của các anh chị trong cô nhi viện. Tuy em chỉ có thể nằm im một chỗ, nhưng em có thể nghe và hiểu được người khác, em còn là cậu bé hay cười và tình cảm nữa.
Hiện Nguyễn Hồng Na Ry là bé nhỏ nhất ở cô nhi viện, cháu được các sơ “nhặt” được trước cổng vào ngày 16/12/2023. Lúc đó cháu còn đỏ hỏn, chắc chỉ tầm 1 tuần tuổi. “Không một thông tin nào để lại. Các sơ đưa con về nuôi dưỡng, may cháu khỏe mạnh và rất ngoan, không quấy khóc bao giờ”, sơ Hà kể.
Điều đặc biệt là những đứa trẻ khi được đưa tới cô nhi viện đều được các sơ đặt cho những cái tên rất đẹp, thể hiện tâm ý của các sơ khi muốn cuộc đời của các con từ nay về sau sẽ không còn nỗi buồn và bất hạnh. Điều đặc biệt, tên của các bé gái đều có chữ đệm là “Hồng”, bé trai có chữ đệm là “Phúc”, ghép lại là “Hồng Phúc”.
Theo lời sơ Hà, việc các sơ đặt tên Hồng-Phúc cho các con là có lý do. Đối với các sơ, sự xuất hiện của các con chính là hồng phúc, là món quà tuyệt vời mà ơn trên ban tặng, và mong muốn rằng các con sẽ luôn xem mối nhân duyên gặp gỡ là điều tốt đẹp mà cuộc đời ban tặng cho các con. Đồng thời cũng là lời gửi gắm ước nguyện rằng cuộc đời của các con sau này sẽ gặp nhiều hồng phúc, xua tan nỗi bất hạnh khi mới chào đời.
Theo NGUYỄN NGỌC (TPO)