Văn hóa

Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 29-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1649/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 13) đối với 5 di tích, trong đó có di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai).


Di tích Rộc Tưng-Gò Đá được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2018, được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là là di tích cấp quốc gia ngày 4-11-2020.

Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đánh giá cao công tác bảo vệ hiện vật khảo cổ học của di tích Rộc Tưng-Gò Đá. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đánh giá cao công tác bảo vệ hiện vật khảo cổ học của di tích Rộc Tưng-Gò Đá. Ảnh: Hoàng Ngọc


Trước đó, từ cuối năm 2014, một số di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê được các nhà khảo cổ Liên bang Nga và Việt Nam thẩm định và đưa vào “Chương trình hợp tác quốc tế: Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam”. Trong giai đoạn 2015-2018, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga phối hợp với tỉnh Gia Lai tiến hành điều tra, phát hiện mới một số di tích, nâng tổng số di tích sơ kỳ Đá cũ vùng này lên 25 địa điểm.

Những công bố về kết quả khảo cổ học ở Rộc Tưng-Gò Đá trong 5 năm đã hoàn toàn thuyết phục các học giả, nhà khoa học, rằng thung lũng An Khê là “cái nôi cổ xưa nhất của loài người trên thế giới”. Theo PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử, những nghiên cứu khoa học về Rộc Tưng-Gò Đá không chỉ là nguồn tư liệu phong phú nghiên cứu lịch sử hình thành văn hóa nhân loại mà còn là những tư liệu quý khẳng định và bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhận định: “Di tích Rộc Tưng-Gò Đá tại An Khê là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất từ trước tới nay, khẳng định vị trí của vùng đất An Khê, Việt Nam trong bản đồ di tích Đá cũ thế giới. Những phát hiện ở Rộc Tưng-Gò Đá đã kéo dài thời gian xuất hiện loài người về xa xưa trên vùng thượng du sông Ba đến 80 vạn năm, mang đến một bước ngoặt trong nhận thức lịch sử hình thành các cộng đồng dân cư ở Việt Nam và vị trí của nó trong bản đồ phát triển nhân loại”.

Các hố khai quật tại Rộc Tưng-Gò Đá được làm mái che để bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan, nghiên cứu. Ảnh: Hoàng Ngọc
Các hố khai quật tại Rộc Tưng-Gò Đá được làm mái che để bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan, nghiên cứu. Ảnh: Hoàng Ngọc


Trong khi đó, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Tống Trung Tín-Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam kiến nghị trước Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia trong chuyến khảo sát tại Gia Lai năm 2022: “Những phát hiện khảo cổ học ở thung lũng An Khê đã bổ sung vào bản đồ sơ kỳ Đá cũ của thế giới và con đường hình thành văn hóa đầu tiên của nhân loại, được Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga bổ sung vào nội dung của tập 3 Lịch sử thế giới. Với giá trị mang tầm quốc tế, di tích Rộc Tưng-Gò Đá cần được tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới”.

Cùng với quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo (được công nhận di tích quốc gia đặc biệt 18-1-2022), hệ thống các di tích Đá cũ An Khê được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt mang đến giá trị độc đáo cho vùng đất An Khê, cửa ngõ phía Đông của tỉnh. Tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị đặc biệt của hệ thống di tích này gắn với phát triển du lịch.

 

HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm