(GLO)- Gia Lai có một kho tàng nhạc khí được chế tác bằng kim loại khá đồ sộ, đặc biệt là cồng chiêng. Ngày nay, chúng ta vẫn còn nghe chủ nhân của những bộ cồng chiêng quý cho biết ông bà của họ xưa đã phải đổi hàng chục con trâu, bò mới có được. Nhiều người bán tín bán nghi với câu hỏi: Đây liệu có phải là giá trị thật của cồng chiêng hay là sự thổi phồng và nếu có thì vì sao chúng lại đắt đến thế?
Chúng ta biết, đồng bào Gia Lai nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung đều không chế tác được cồng chiêng. Theo các nhà nghiên cứu, chiêng của đồng bào sử dụng hiện nay chủ yếu có 3 loại. Thứ nhất là chiêng Lào, tức chiêng được đưa từ Lào sang. Cũng có người cho rằng thực ra, đây là chiêng do người Miến Điện chế tác, được đưa đến Tây Nguyên bằng con đường thương mại qua Lào. Chiêng Kur được đưa từ Campuchia sang. Thứ ba là chiêng Yuan, tức chiêng do người Kinh đúc. Về chiêng Yuan, đây là vấn đề còn tranh cãi: Tại sao người Kinh chế tác chiêng nhưng lại không sử dụng mà chỉ mang bán? Tuy nhiên, ông Brière-một nhà thám sát người Pháp đã xác nhận trong một ghi chép: “Chiêng Bắc Kỳ có núm ở giữa, bán thành từng bộ 3 chiếc, 1 to, 1 nhỡ, 1 nhỏ, giá 25 đồng piastre (tiền đúc bằng bạc của Mexico). Chúng được đúc tại Hà Nội và Nam Định”. Như vậy, nói người Kinh đã từng chế tác chiêng để bán cho đồng bào Tây Nguyên là có cơ sở.
Giá trị của chiêng không căn cứ vào chức năng nghi lễ hoặc nhiệm vụ xã hội mà căn cứ vào chất lượng âm thanh của nó. Chiêng Lào (hoặc Miến Điện) thường được đánh giá cao nhất bởi độ rung ngân vang tuyệt vời của nó. Nhiều người cho rằng, đây là loại chiêng được đúc bằng hợp kim gang, chì, đồng. Có loại phần núm còn được đúc pha vàng, bạc, đồng đen. Thực ra, đây cũng chỉ là sự phỏng đoán, bởi đến nay, chưa có ai chứng minh loại chiêng này được đúc bằng hợp kim gì, tỷ lệ bao nhiêu. Đặc biệt, nếu là đồng đen thì chắc chỉ là giai thoại, bởi khoa học ngày nay đã chứng minh không hề có nguyên tố đồng đen. Tuy nhiên, giả sử chiêng được đúc bằng đồng, có pha các kim loại quý như bạc, vàng theo một tỷ lệ nhất định thì cũng không thể khiến giá trị của loại cồng chiêng này cao đến thế.
Cúng chiêng. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc |
Nếu coi cồng chiêng cũng là một loại hàng hóa thì giá trị của hàng hóa đó còn tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Đối với đồng bào dân tộc thì cồng chiêng là biểu tượng của sự giàu có và hùng mạnh. Nó là niềm tự hào của mỗi gia đình, dòng họ và của cả cộng đồng. Ở đây yếu tố tinh thần đã vượt ra ngoài giá trị vật chất. Không riêng cồng chiêng, những vật dụng khác như ghè cũng vậy. Nếu chỉ căn cứ vào giá trị vật chất thuần túy thì thật khó hiểu vì sao một đôi ché Tuk lại được đổi bằng 55 con bò, thậm chí có loại lên tới 100 con trâu. Đây là nguồn gốc có tính quyết định giá trị của cồng chiêng và các loại gia bảo khác. Tuy nhiên, ngoài lý do này thì còn một nguyên do ít người nói tới là giá trị của cồng chiêng một phần cũng đã được “thổi” lên qua con đường thương mại. Thời các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn, việc thu thuế buôn bán giữa cao nguyên và miền xuôi được giao khoán cho các lãnh mãi chịu trách nhiệm. Những lái buôn muốn vào buôn bán ở vùng đồng bào dân tộc phải được phép của các lãnh mãi này. Ngoài việc nộp thuế, lái buôn chỉ được phép buôn bán ở những khu vực do các lãnh mãi chỉ định. Với cơ chế buôn bán có tính chất “độc quyền” như vậy và tất nhiên là không tránh khỏi “tiêu cực”, cộng với điều kiện đường sá, địa hình, an ninh bấy giờ rất phức tạp, việc định giá hàng hóa gần như là do các lái buôn quyết định.
Để hiểu thêm về khía cạnh này, xin trích dẫn một đoạn ghi chép cũng của Brière về giá trị hàng hóa được trao đổi như sau: “Một bộ chiêng núm loại lớn đổi được 2 con trâu. Một bộ chiêng phẳng 5 chiếc đổi được từ 2 tới 3 con trâu. Một chiêng phẳng to đổi được 1 con ngựa đẹp. Chiêng cổ, loại được ưa thích nhất, giá lên tới 15 con trâu 1 chiếc… Cuối cùng, ché là thứ có giá. Có loại giá đến 30 con trâu, thậm chí lên tới 100 con trâu…”. Và đây là lợi nhuận của các lái buôn: sợi, đồ đồng (bao gồm cả cồng chiêng) lãi 120%; đồ sứ và ché, lãi 150%... Rồi Brière kết luận: Rõ ràng, những người này (tức đám lái buôn) thu được một mối lợi rất lớn từ tất cả các thương vụ đó. Người ta còn cho rằng có khi họ lãi 500-600%, chắc chắn là phóng đại, nhưng dễ dàng nhận ra lợi nhuận của một thứ thương mại dựa trên cơ sở duy nhất là trao đổi.
NGỌC TẤN