(GLO)- Khi các khu du lịch sầm uất không còn sức hút do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì những khung cảnh hoang sơ ẩn mình nơi núi rừng lại được nhiều người tìm đến. Thung lũng An Lão (tỉnh Bình Định) thu hút du khách nhờ những con suối, thác ghềnh còn giữ được vẻ đẹp ẩn hiện nơi những cánh rừng nguyên sinh.
Nhiều con suối đẹp ở vùng trung du Bình Định tiếp giáp Gia Lai đã biến mất vì những cánh rừng bị tàn phá. May mắn là ở huyện An Lão, những cánh rừng vẫn còn trữ đủ nước làm nguồn cho dòng suối quanh năm tắm mát những thác ghềnh. Thung lũng An Lão được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp, hàng trăm con suối nhỏ từ thượng nguồn góp thành những dòng sông chảy về đồng bằng. Men theo những con nước, chạm vào những tảng đá là chạm vào từng nét đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên.
Chi chít những dòng suối thi nhau khoe sắc. Mỗi cánh rừng phân công một dòng chảy để tự trang điểm cho riêng mình. Ấn tượng đầu tiên là đi dọc theo con đường ngoằn ngoèo vượt núi có độ cao hơn 1.000 m lên xã An Toàn, một bên là tiếng thì thào của rừng, một bên là tiếng róc rách của suối. “Phượt” lên những dốc thẳng đứng như dốc Ba Ghế, Ba Lon, Cổng Trời 1, Cổng Trời 2..., bất cứ lúc nào mệt, ta cũng có thể bước xuống dòng suối mà nằm cho nước mát lạnh mơn man.
Thác Đá Ghe ở An Lão là thắng cảnh thu hút nhiều khách du lịch. Ảnh: T.Đ |
Xã An Toàn là nơi cao nhất huyện An Lão. Đến đây, ta sẽ gặp suối Nước Mia để nghe kể câu chuyện về thượng nguồn của dòng sông Kôn và lời tự tình với thác 50. Thác 50 còn được gọi là thác Hang Én, thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang). Có người nói rằng, đây là suối tóc đẹp nhất mà dòng nước trao lại cho Kbang trước khi chia tay cao nguyên để về với An Lão. Với độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, An Toàn là nơi du khách có thể lưu lại qua đêm để cảm nhận được cái lạnh, sự hoang sơ và hương rừng, để lạc vào đêm Tây Nguyên ở ngay đất Bình Định. Ở đây, buổi chiều mây đã phủ kín những ngôi nhà rông. Ban đêm, nhiệt độ xuống thấp, ta cuộn mình nằm nghe tiếng suối hay tiếng mưa rừng mà thấy hồn tan chảy...
Thức dậy trong lãng đãng sương mù, khách men theo suối Nước Rung, suối Nước Thét hay suối Nước Trắng... để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng. Những con suối uốn mình qua những khe đá tạo nên những thác ghềnh, tạo ra những âm thanh mê hoặc lòng người. Tên mỗi con suối được đặt theo tính chất của nó. Mùa lũ, nước chảy rung động cả cánh rừng, người dân đặt tên là suối Nước Rung; hay âm thanh gầm thét vang động khu rừng người dân đặt tên suối Nước Thét; có dòng chảy phô mình ra trắng cả rừng thì đặt tên là suối Nước Trắng. Mỗi suối có những vẻ đẹp riêng. Như suối Đá Ghe có nguồn chảy từ thôn Ba Trang (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) chảy về sông Rê thì có những tảng đá xếp hàng trông như những bến ghe đậu nên gọi là suối Đá Ghe. Những suối nhỏ không tên thì được đặt là Không Tên 1, Không Tên 2... theo tên những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Vũ Thành An.
Ở suối Nước Thét có một con thác cao hơn 30 m đổ xuống, khoét một tảng đá to tạo thành giếng sâu hơn 4 m. Giếng này nước trong veo và hiền hòa vào mùa nắng nhưng thét gào khi mưa lớn. Bản hòa âm của những dòng chảy mà thác này làm chủ âm và giếng đá là chiếc loa có công suất lớn đã tạo ra âm thanh rất riêng giữa núi rừng. Chuyện kể rằng, có đôi trai gái yêu nhau nhưng vì cuộc du cư làm cho họ lạc mất nhau. Vậy nên, người con trai khản cổ gào trong nỗi nhớ, tạo ra âm thanh Nước Thét.
Thần rừng ưu ái ban tặng cho vùng An Lão rất nhiều dòng suối, những con sông, thác ghềnh quanh năm đầy ắp nước bởi người dân ở đây biết quý trọng nguồn nước. Hàng năm, sau một mùa rẫy, họ ra các dòng suối cúng Thần nước để cầu mong dòng nước trong mát, không nhiễm bẩn và đừng bao giờ cạn. Cúng Thần nước là nghi lễ được người Bahnar, H’Rê vùng này thực hiện rất trang nghiêm, đằng sau cầu nguyện còn là lời răn dạy con cháu phải giữ rừng để nguồn nước còn mãi.
TRƯỜNG ĐĂNG