Xã hội

Gia đình

"Địa chỉ tin cậy cộng đồng": Góp phần phòng-chống bạo lực gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai triển khai hiệu quả mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” nhằm góp phần phòng-chống bạo lực gia đình tại địa phương.
Bạo lực gia đình là nguy cơ làm suy giảm sự bền vững của gia đình, thậm chí gây tan vỡ. Nó không chỉ để lại nỗi đau về thể chất, tinh thần đối với phụ nữ và trẻ em mà còn để lại những hệ lụy đáng buồn cho xã hội. Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh có đến 2.800 vụ án liên quan đến hôn nhân-gia đình. Nhất là thời gian gần đây, những vụ bạo lực gia đình liên tục xảy ra, trong đó nhiều trường hợp người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau. Điều này cho thấy bạo lực gia đình đang ngày một gia tăng.     
 Tuyên truyền, tư vấn về phòng-chống bạo lực gia đình. Ảnh: Đ.Y
Tuyên truyền, tư vấn về phòng-chống bạo lực gia đình. Ảnh: Đ.Y
Tuy nhiên, bạo lực gia đình là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, do vậy, biện pháp phòng-chống không chỉ là thực thi pháp luật mà còn phải gắn với thực hiện bình đẳng giới, xây dựng gia đình văn hóa, trợ giúp có hiệu quả đối với nạn nhân bị bạo hành. Vì vậy, mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” ra đời đã góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Nhờ tích cực vận động, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 1.112 mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” ở 161 xã, thị trấn, với gần 3.000 thành viên tham gia. Đây là nơi tiếp nhận nạn nhân bị bạo lực gia đình, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, hỗ trợ tạm lánh và các nhu yếu phẩm cần thiết trong thời gian nạn nhân tạm lánh. Các mô hình đã tư vấn, can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho 547 lượt nạn nhân; góp ý phê bình 90 trường hợp tại cộng đồng dân cư; áp dụng các biện pháp giáo dục 13 trường hợp; xử phạt hành chính 18 trường hợp, tạm giữ 8 trường hợp có hành vi bạo lực gia đình...
Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả của các mô hình, nhiều chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình, nhiều cặp vợ chồng đã được hàn gắn, hòa thuận. Trong số đó, mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” của chi hội Phụ nữ tổ dân phố 2 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện) hoạt động rất hiệu quả. Triển khai từ tháng 6-2015, mô hình đã hỗ trợ 7 phụ nữ thoát khỏi cảnh bạo lực. Bên cạnh đó, 12 hộ gia đình trong tổ dân phố tưởng chừng như tan vỡ, nhưng đã hàn gắn, hòa thuận nhờ có sự tư vấn, giải quyết của các thành viên tham gia mô hình. Bà Phạm Thị Chinh-Chủ nhiệm mô hình-cho biết: Mô hình có 16 thành viên là hội viên, phụ nữ trong tổ dân phố tự nguyện tham gia, tất cả đều được phân công nhiệm vụ cụ thể, được tập huấn về Luật Phòng-chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, bồi dưỡng kỹ năng tiếp nhận và tư vấn cho nạn nhân khi bị bạo hành... Địa điểm sinh hoạt được tổ chức thường xuyên tại trụ sở Nhà văn hóa tổ dân phố. Với những hoạt động hiệu quả, mô hình là chỗ dựa tinh thần, gửi gắm tâm tư của nhiều chị em cùng hoàn cảnh, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn phường.
Tương tự, tại tổ dân phố 4 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa), mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” cũng đã trở thành một địa chỉ uy tín. Bà Nguyễn Thị Hương-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ tổ dân phố 4, Chủ nhiệm mô hình-cho hay: Tổ dân phố 4 có 191 hộ, trong đó có 217 hội viên, phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, chủ yếu làm nông. Các hộ gia đình đều cần cù chịu khó, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, tại một số gia đình vẫn còn xảy ra tình trạng bạo hành về thể xác, tinh thần. Nhờ có mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” với các thành viên thuộc những tổ chức đoàn thể có uy tín như: tổ trưởng tổ dân phố, công an viên, dân quân tự vệ..., mỗi khi xảy ra xung đột, bạo hành, chị em đều tìm đến để được sẻ chia, giúp đỡ. Từ khi thành lập đến nay, mô hình đã tư vấn, hòa giải thành công 5 vụ bạo lực gia đình xảy ra trong tổ.
Theo ông Phạm Hồng Phong-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” ngày càng khẳng định vai trò, hiệu quả; đồng thời là địa chỉ tin cậy đối với chị em phụ nữ, góp phần tích cực vào chương trình phòng-chống bạo lực gia đình, vì sự bình đẳng và tiến bộ của chị em phụ nữ. Ông Phong cho biết, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có trên 95% hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng-chống bạo lực gia đình; 100% cán bộ tham gia phòng-chống bạo lực gia đình các cấp được tập huấn nâng cao năng lực; 100% nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa bạo lực gia đình và 80% số người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động giáo dục chuyển đổi hành vi.
“Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các ban, ngành, hội, đoàn thể, địa phương thực hiện hiệu quả và nhân rộng mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”. Bên cạnh đó, phát huy vai trò lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện phòng-chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới. Phát huy truyền thống tốt đẹp các gia đình, vai trò dòng họ để duy trì sự ổn định, đoàn kết và êm ấm trong đời sống gia đình. Đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh. Ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành; thực hiện lồng ghép chương trình phòng-chống bạo lực gia đình trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành”-ông Phạm Hồng Phong nhấn mạnh.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm