Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Điểm tựa khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chưa khi nào 2 từ “khởi nghiệp” lại được giới trẻ nhắc đến nhiều như hiện nay. Đó là khát khao khẳng định bản thân một cách chân chính, cần được hỗ trợ tối đa để hiện thực hóa. Tuy nhiên, theo một thống kê gần đây, cứ khoảng 100 người khởi nghiệp thì có tới 80% đứng trước nguy cơ giải thể trong 2 năm đầu hoạt động. Nguyên nhân lớn nhất được nhận diện là thiếu kiến thức về quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn và kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh.

Như vậy, muốn khởi nghiệp thành công thì trước tiên người trẻ cần được tư vấn nghề nghiệp thật đầy đủ, hiệu quả. Và, thời điểm bắt đầu không thể hiệu quả hơn là khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường, khi những ấp ủ về tương lai đang dần thành hình.

Các em học sinh trên địa bàn TP. Pleiku được tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Ảnh: Phan Lài

Các em học sinh trên địa bàn TP. Pleiku được tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Ảnh: Phan Lài

Liên quan đến nội dung này, ngày 17-4 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 872/KH-UBND về triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, Kế hoạch hướng đến việc định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc tiểu học thông qua việc giáo dục cho học sinh nhận biết về công việc, nghề nghiệp, việc làm của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương. Từ những bước chập chững, các em sẽ dần được trang bị những hình dung ban đầu về việc làm một cách phù hợp, làm bước đệm cần thiết.

Với bậc THCS, yêu cầu đặt ra đối với các sở, ngành liên quan, các địa phương, đơn vị trường học là hướng dẫn học sinh khám phá năng lực, sở trường, nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân; giáo dục học sinh hình thành, phát triển các kỹ năng xã hội, quản lý thời gian, ứng phó với căng thẳng, khủng hoảng, hợp tác và chia sẻ. Cùng với đó, tư vấn, định hướng và bồi dưỡng kiến thức về nghề nghiệp, việc làm phù hợp với các ngành, nghề dự kiến lựa chọn; tổ chức cho học sinh tìm hiểu, nắm bắt xu hướng dịch chuyển nghề nghiệp, việc làm; bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng về nghề nghiệp thông qua các hoạt động câu lạc bộ, các hoạt động ngoài giờ…

Với học sinh THPT, các yêu cầu đặt ra được nâng lên thêm một bậc, gồm: giáo dục học sinh phát triển phẩm chất, năng lực bản thân cũng như nguyện vọng, sở thích nghề nghiệp; cung cấp cho học sinh thông tin về các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo và tư vấn về vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp; cung cấp thông tin và xu hướng phát triển của các ngành, nghề trong xã hội. Bên cạnh đó, một mục tiêu quan trọng khác là giúp các em hình thành, phát triển các kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, lãnh đạo, lập kế hoạch, xây dựng dự án, tự học và giải quyết vấn đề.

Kế hoạch số 872 cũng đề ra một số nội dung trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh bậc THCS và THPT với các định hướng nổi bật như: tổ chức ngày hội tư vấn khởi nghiệp; phát triển các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để học sinh có môi trường hình thành các ý tưởng, dự án. Công tác phối hợp với các đối tác cũng được khuyến khích nhằm tổ chức cho các em học sinh thực hành, trải nghiệm và triển khai các dự án khởi nghiệp; tổ chức diễn đàn, tọa đàm, giao lưu truyền cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh; kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của học sinh với các tổ chức ươm tạo.

Những năm gần đây, học sinh Gia Lai ngày càng khẳng định tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm thông qua các “sân chơi” khởi nghiệp. Hẳn nhiên, các em cũng nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường để có thể biến ý tưởng thành hiện thực. Gần đây nhất, nhóm 5 học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương đã xuất sắc giành giải nhì tại Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V-2023 với dự án sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trà túi lọc từ việc tận dụng nguồn phụ phẩm cây cà phê.

Đáng chú ý, cũng tại sân chơi toàn quốc này, không ngẫu nhiên mà em Vũ Thị Hoàng Ngân và nhóm bạn (cũng là học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương) 2 năm liên tiếp đạt giải khuyến khích (năm 2020, 2021) với dự án máy nhiệt phân rác thải nhựa và máy hấp cà phê. Chưa kể, khi chính thức khởi nghiệp với sản phẩm hỗ trợ điều trị mụn Valanka Cosmetics Lily ACNE, Ngân có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng; sản phẩm cũng lọt top 50 thương hiệu-nhãn hiệu uy tín hội nhập kinh tế quốc tế năm 2022.

Từ những điển hình nêu trên, có thể tự tin vào một lớp trẻ Gia Lai năng động, sáng tạo, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp và tạo ra giá trị to lớn cho cộng đồng. Tuy nhiên, trước làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, để người trẻ chọn ra được một lối đi nhằm phát triển bền vững, không rơi vào cảnh “sớm nở, tối tàn” cần có điểm tựa vững chãi từ những định hướng đúng đắn, các kế hoạch hỗ trợ dài hơi của các cấp, các ngành, nhất là trong điều kiện trí tuệ nhân tạo lên ngôi và chi phối các xu hướng ngành nghề trong thời đại hiện nay.

Điều này đòi hỏi người trẻ cũng cần chủ động học hỏi, khai phóng bản thân, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón đầu những ngành nghề, lĩnh vực khởi nghiệp mới mẻ chưa từng có. Chung quy lại, ngoài “điểm tựa” bên ngoài, điểm tựa lớn nhất chính là bản thân mỗi người. Khi có nội lực vững vàng, cá nhân khởi nghiệp sẽ tự tin dang tay đón lấy cơ hội.

Có thể bạn quan tâm