(GLO)- Giá hạt điều thô bán tại vườn hiện dao động khoảng 40-45 ngàn đồng/kg đem lại lợi nhuận khá cao cho nhiều nông dân ở huyện Ia Grai.
Gia đình ông Rơ Châm Hoạch (làng Jrăng Blo, xã Ia Khai) có 3 ha điều trồng từ năm 2005. Hiện tại, dù mới chớm vào vụ thu hoạch nhưng trung bình mỗi ngày, vợ chồng ông thu được 20-30 kg hạt điều. Với mức giá bán 45 ngàn đồng/kg hạt điều, gia đình ông thu về khoảng hơn 1 triệu đồng/ngày. “Vào thời kỳ cao điểm của năm ngoái, nhà tôi bán hạt điều được 20-30 triệu đồng/ngày”-ông Hoạch cho biết. Theo ông Hoạch, vì vườn điều của ông trồng giống thực sinh nên năng suất không cao bằng những hộ khác nhưng cũng có thể thu được 2-3 tấn hạt/ha.
Người dân xã Ia Khai (huyện Ia Grai) thu hoạch điều. Ảnh: L.H |
Nhờ giá hạt điều ở mức cao nên không ít hộ ở xã Ia Khai hy vọng có thể thu được tiền tỷ trong năm nay. Hộ ông Rơ Châm Glúch (làng Jrăng Blo) có hơn 8 ha điều, đa phần là điều cao sản, ước tính năng suất đạt không dưới 3 tấn/ha. Nếu mức giá vẫn duy trì cao như hiện tại thì số tiền ông Glúch thu về có thể đạt 1 tỷ đồng.
Ia Khai là vùng đất khô hạn, thường xuyên thiếu nước tưới. Vì vậy, không riêng gì các hộ người dân tộc thiểu số mà hầu hết người dân trên địa bàn xã đều chọn cây điều để canh tác. Anh Bùi An Sênh (làng Jrăng Blo, xã Ia Khai) cho biết: Ước tính vụ điều năm nay, gia đình anh thu khoảng 5-6 tấn hạt/5 ha. Nếu giá thu mua hạt điều ổn định như hiện tại, gia đình anh có thể thu về trên dưới 300 triệu đồng. Cũng theo anh Sênh, chi phí đầu tư trồng điều thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. “Nhà tôi chỉ làm cỏ, bón một ít phân và phun 2 đợt phân bón lá, 2 đợt thuốc phòng trừ sâu bệnh, tính ra không đáng bao nhiêu”-anh Sênh cho biết.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Ia Grai hiện có 5.563 ha điều, tập trung tại một số xã phía Tây huyện, như: Ia O (1.212 ha), Ia Chía (1.080 ha), Ia Tô (1.173 ha), Ia Khai (689 ha), Ia Krai (551 ha)… Theo ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, vụ điều 2017-2018 đang bắt đầu bước vào thu hoạch. Do một số địa phương gặp mưa làm ảnh hưởng đến hoa và trái điều non nên chưa thể đánh giá năng suất cây điều vụ này. Tuy nhiên, nhờ hạt điều thô duy trì ổn định mức giá cao trong nhiều năm trở lại đây nên loại cây trồng này đang góp phần xóa nghèo và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới.
Đánh giá về thực trạng phát triển cây điều trên địa bàn huyện Ia Grai hiện nay, ông Hưng cho rằng cần cải tạo giống và thay đổi phương pháp canh tác cây điều của nông dân. Về giống, phần lớn diện tích vẫn là điều thực sinh (trồng hạt), năng suất và chất lượng không cao, cây dễ bị sâu bệnh. Bên cạnh đó, người dân vẫn có quan niệm cây điều là cây “trời cho sao được nấy” nên ít đầu tư chăm sóc, bỏ phân như các loại cây trồng khác, dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả kinh tế giảm. Diện tích điều hầu hết trồng nhỏ lẻ, xen canh, chưa hình thành được các vùng chuyên canh…
Trên địa bàn huyện Ia Grai hiện đã có doanh nghiệp thu mua, chế biến hạt điều. Huyện cũng đã thành lập Hợp tác xã Sản xuất điều Ia Khai. Sản phẩm hạt điều Ia Grai còn được cấp chứng chỉ Thương mại công bằng quốc tế từ 2 năm nay. Đây là nền tảng quan trọng giúp thúc đẩy sản xuất bền vững hơn loại cây trồng này. “Để phát triển cây điều trên địa bàn, sắp tới, huyện sẽ triển khai chương trình hỗ trợ với các nội dung cụ thể như: điều tra, nắm bắt thực trạng; tập huấn kiến thức trồng, chăm sóc và phòng-chống một số loại sâu bệnh hại chủ yếu như sâu đục thân, sâu ăn lá… Tổng kinh phí cho chương trình này khoảng 100 triệu đồng”-ông Hưng cho biết.
Lê Hòa