Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Đoàn Anh Tuấn: Kỹ sư cơ khí đam mê nông nghiệp hữu cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Chế tạo máy (Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh), Đoàn Anh Tuấn (SN 1996, thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, Gia Lai) bất ngờ trở về quê để theo đuổi đam mê làm nông nghiệp hữu cơ. Và cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương này bước đầu đã thu được thành công với lựa chọn của mình.
  Anh Đoàn Anh Tuấn.  Ảnh: H.Đ.T
Anh Đoàn Anh Tuấn. Ảnh: H.Đ.T
Sinh ra trong một gia đình nông dân, từ nhỏ, Tuấn đã thường xuyên chứng kiến gia đình mình và những người xung quanh chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Lớn lên rồi có dịp đi xa, Tuấn nhận ra, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, người nông dân không có cách nào khác là phải làm ra những sản phẩm sạch. Bởi lẽ, khi đời sống ngày càng nâng cao, người tiêu dùng càng có nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch. Trăn trở về điều này, lại sẵn có niềm đam mê với nông nghiệp, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Chế tạo máy (Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh), thay vì tìm một việc làm đúng nghề đã học, anh quyết định về quê để làm nông nghiệp sạch.
Ban đầu, bố mẹ Tuấn quyết liệt phản đối ý định này. Bởi lẽ, họ cho rằng, không ai tốn kém tiền bạc, công sức theo học 4 năm ở một trường đại học danh tiếng như Tuấn mà lại về quê để làm nông. Phải mất khá nhiều thời gian thuyết phục, bố mẹ mới đồng ý để Tuấn theo đuổi hướng đi này.
Sau khi dành thời gian đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm tại các trang trại cà phê hữu cơ ở Lâm Đồng, Đak Lak, Đak Nông, Tuấn trở về áp dụng phương pháp sản xuất này trên 4 ha cà phê của gia đình. Thay vì sử dụng phân bón hóa học như trước, anh dùng phân hữu cơ bón cho vườn cà phê. Đồng thời, anh chủ động sử dụng các phương pháp tự nhiên để bảo vệ vườn cây khỏi sâu bệnh chứ không dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Đến mùa thu hoạch, anh để cho hạt cà phê chín đều mới hái. Để đảm bảo hạt cà phê đạt chất lượng cao nhất, sau khi hái, anh không phơi ở mặt sân bê tông mà phơi trên những khung giàn tự tạo. Những hạt cà phê này sau đó được anh đưa vào sơ chế. Nhờ cách làm này mà giá trị hạt cà phê do Tuấn làm ra cao gấp 1,5 lần so với cà phê thông thường. Chỉ trong vòng 1 tháng đầu của niên vụ cà phê 2018-2019, anh đã sơ chế và bán được hơn 3 tấn cà phê nhân. Bên cạnh sơ chế cà phê nhân chất lượng cao để bán, Tuấn còn hợp tác với các cơ sở chế biến để sản xuất cà phê bột.
Tuấn chia sẻ: Hiện nay, nhiều nông dân đã quan tâm đầu tư sản xuất nông sản sạch để nâng cao hiệu quả kinh tế. Điều đó khẳng định, nông nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra lợi nhuận cao nếu đi đúng hướng. Tuy nhiên, việc tạo ra nông sản sạch mới chỉ là sự khởi đầu bởi lợi thế thực sự của nông nghiệp phải ở khâu chế biến. Do vậy, để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, việc đầu tư chế biến và làm thương hiệu rất quan trọng. Và Tuấn đang rất mong muốn xây dựng một thương hiệu cho cà phê sạch ở Nam Yang.
“Những thành công bước đầu đạt được là động lực để tôi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ an toàn của người tiêu dùng. Đồng thời, đăng ký kinh doanh, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá mở rộng thị trường. Qua đó, tôi mong muốn đóng góp sức trẻ vào phát triển nền sản xuất nông nghiệp chất lượng cao của địa phương”-Tuấn chia sẻ.

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Đoàn Anh Tuấn:

- Không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng.

- Quan tâm đến nhu cầu thị trường.

- Luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

 Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm