Thời sự - Sự kiện

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện chính sách phát triển năng lượng tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 21-7, tại TP. Pleiku, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do đồng chí Bùi Văn Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh.


Tham gia buổi làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH, về phía tỉnh Gia Lai, có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh.

Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với tỉnh Gia Lai về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Ảnh: Hà Duy
Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với tỉnh Gia Lai về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Ảnh: Hà Duy

Theo báo cáo của UBND tỉnh, Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (như: thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối). Trong giai đoạn 2016-2021, Gia Lai đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản về định hướng phát triển năng lượng của địa phương liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các công trình năng lượng.

Hiện tỉnh đã có 88 dự án năng lượng tái tạo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch với tổng quy mô công suất 4.347,89 MW (trong đó, đã đưa vào vận hành khoảng 3.005 MW); 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 480 MW. Trong giai đoạn 2016-2021, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy thủy điện và các nhà máy năng lượng tái tạo khác khoảng 40.096 triệu kWh.

Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tiềm năng, nguồn lực đất đai, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tăng kết cấu hạ tầng nông thôn, ít gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và dân cư khu vực có dự án; đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư vào tỉnh. Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh còn góp phần phát triển du lịch của địa phương, bảo đảm an ninh năng lượng, tăng sản lượng điện hằng năm cho lưới điện quốc gia (hiện đóng góp khoảng gần 8 tỷ kWh/năm.

Đồng chí Bùi Văn Cường-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Hà Duy

Đồng chí Bùi Văn Cường-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Hà Duy

Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn Giám sát đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Gia Lai đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021.

Đồng thời, đoàn cũng yêu cầu Gia Lai cần làm rõ, đánh giá lại tính hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, tính đầy đủ, tính kịp thời, tính khả thi của các văn bản đã ban hành trong hệ thống pháp luật; đánh giá kết quả, sự tác động và ảnh hưởng của việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ; xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện để bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Đoàn Giám sát cũng yêu cầu tỉnh thông tin rõ số dự án, quy mô đầu tư, mức độ chậm, nguyên nhân chậm tiến độ, các giải pháp tháo gỡ của tỉnh đối với các dự án năng lượng tái tạo chậm tiến độ, dự kiến thời điểm đưa dự án vào vận hành, phát điện; đề nghị làm rõ nguyên nhân các dự án phải điều chỉnh hay loại ra khỏi quy hoạch và các dự án mới được bổ sung vào quy hoạch, đánh giá hiệu quả đạt được của việc điều chỉnh.

Liên quan đến công tác đảm bảo an sinh cho người dân, Đoàn Giám sát đề nghị làm rõ việc đền bù, di dân, tái định cư tại một số dự án phát triển năng lượng thủy điện, năng lượng gió chưa đáp ứng được tiêu chí bảo đảm sinh kế và an sinh cho người dân, báo cáo chưa làm rõ được nguyên nhân chủ quan, khách quan và gốc rễ của vấn đề; sự phối hợp, chỉ đạo của tỉnh với các chủ đầu tư trong các dự án di dân, tái định cư, đảm bảo các tiêu chí an sinh xã hội.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có nhiều kiến nghị về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát. Ảnh: Hà Duy
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có nhiều kiến nghị về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát. Ảnh: Hà Duy

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị: “Để triển khai phát triển năng lượng tái tạo đòi hỏi quy hoạch phải bài bản, vấn đề này nhà nước phải làm, và làm từ địa phương làm lên. Cùng với đó, hạ tầng lưới điện cũng là nhà nước làm; hiện nhà nước có cơ chế cho tư nhân làm, nhưng lại không có trạm biến áp. Làm gì thì làm, cần phải có quan điểm mới để giải phóng nguồn điện. Thực tiễn tại Gia Lai, vẫn còn nhiều dự án điện gió đã hoàn thành nhưng chưa thể vận hành được, đề nghị các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện để các dự án này được hoạt động.Về các chính sách hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng xảy ra chủ yếu ở các dự án điện gió, nhưng ở cấp địa phương không thể có quy định tạm thời để hỗ trợ cho người dân, vì sẽ không đúng theo quy định. Chúng tôi đề nghị Trung ương, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan có những quy định, hướng dẫn để địa phương có cơ sở thực hiện”.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Cường đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của tỉnh trong thực hiện chính sách, pháp luật, ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền của địa phương đối với phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh. "Chúng tôi kiến nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu để có nghị quyết về vấn đề này, trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu, phương hướng, giải pháp cho sự phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh. Về tổ chức thực hiện, tỉnh thực hiện khá bài bản, phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tuy nhiên, một số hạn chế tồn tại vẫn còn, cần tập trung giải quyết những tồn tại này. Nếu những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền của tỉnh có thể giải quyết thì tỉnh nên chủ động tập trung để giải quyết, nhất là về hạ tầng lưới điện, năng lực truyền tải, bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý, bán điện, mua điện… Khi cấp quyết định chủ trương đầu tư, cần tính đến tính hiệu quả của dự án. Đối với các kiến nghị của tỉnh, chúng tôi ghi nhận và sẽ báo cáo lại để kịp thời tháo gỡ”-Tổng Thư ký Quốc hội nêu.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị Gia Lai tiếp tục làm tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn các đường truyền tải điện, an toàn cho các nhà máy điện, an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi. Đồng thời tiếp tục quan tâm cải cách thủ tục hành chính, số hóa trong quản lý nhà nước; có định hướng tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm