Trước kia, các sản phẩm nông sản Việt Nam như: cà phê, hồ tiêu, chè… đã xuất khẩu đi khắp thế giới. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất xứ từ Gia Lai hầu như vắng bóng trong số này. Nguyên nhân là vì các sản phẩm này thường được xuất thô hoặc gia công chế biến dưới tên thương hiệu đến từ tỉnh, thành khác hoặc nước ngoài.
Thâm nhập thị trường quốc tế là một hành trình đầy cam go, đòi hỏi sự kiên nhẫn và rất nhiều nỗ lực từ phía doanh nghiệp. Đáng vui mừng khi nhiều doanh nghiệp tại Gia Lai đang rất “kiên cường” cùng với chiến lược sản xuất kinh doanh chú trọng về “chất” đã từng bước viết tên mình trên thị trường quốc tế.
Đóng gói sản phẩm cà phê tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy |
Năm 2021, Gia Lai có 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Hoa Trang Gia Lai và Công ty cổ phần Chè Biển Hồ được Bộ Công thương công nhận là “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”.
Đây không chỉ là vinh dự cho các đơn vị này mà còn là niềm tự hào của Gia Lai. Đứng đầu danh sách này là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với thâm niên hơn 20 năm gắn bó với hoạt động sản xuất, thu mua và chế biến cà phê. Vĩnh Hiệp hiện là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất của tỉnh và đứng thứ 2 cả nước với sản lượng thu mua cà phê trung bình mỗi năm đạt khoảng 150.000 tấn, chiếm tới 2/3 sản lượng cà phê toàn tỉnh. Ngoài thu mua, chế biến, Công ty còn liên kết sản xuất cà phê sạch với hơn 10.000 hộ dân và hợp tác xã tại nhiều huyện trong tỉnh.
Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch thành viên Công ty-cho biết: “Nhiều năm liền, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp được bình chọn là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín. Để giữ vững được danh hiệu này, chúng tôi phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn đảm bảo sự bền vững như: xây dựng các chứng chỉ quốc tế cho 22.000 ha cà phê nguyên liệu, chứng nhận hữu cơ USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ… Đặc biệt, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do FTA, sự bền vững là then chốt”.
Biển Hồ chè nhìn từ trên cao. Ảnh: Hà Duy |
Đứng sau Công ty TNHH Vĩnh Hiệp về xuất khẩu cà phê là Công ty TNHH Hoa Trang Gia Lai. Ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty-chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, chúng tôi lấy chất lượng và uy tín làm tiêu chuẩn hàng đầu. Gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực nông sản đã giúp tôi khẳng định một điều: chiến lược kinh doanh cốt lõi, bền vững nhất chính là chú trọng không ngừng nâng cao chất lượng. Sở dĩ sản phẩm của Công ty có mặt tại nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Anh, Italia, Singapore, Thụy Sĩ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập… là vì chúng tôi đã nghiêm túc đầu tư trang-thiết bị, máy móc để cho ra các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế như UTZ, 4C”.
Cũng theo ông Thành, khi tham gia thương trường, Hoa Trang Gia Lai luôn trung thành với phương châm “Tận tâm-Uy tín-Chuyên nghiệp”. Chính điều đó đã giúp Công ty có được thành quả như hôm nay.
Hiện nay, nhà máy chế biến cà phê của Hoa Trang Gia Lai có công suất lên đến 500 tấn/ngày và công nghệ phân loại hạt công suất đạt 12,5 tấn/giờ. Theo đó, Hoa Trang Gia Lai đạt sản lượng bình quân trên 60.000 tấn/năm với tổng doanh thu trên 2.500 tỷ đồng, trong đó, sản lượng xuất khẩu chiếm trên 50.000 tấn, tương đương 80 triệu USD.
Cũng được vinh danh là “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021, Công ty cổ phần Chè Biển Hồ đang quản lý trên 1.100 ha chè với quy trình sản xuất hữu cơ và sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Cũng như các doanh nghiệp khác, muốn tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, việc chú trọng nâng cao chất lượng vẫn là hướng đi duy nhất. Bởi vậy, bên cạnh canh tác theo hướng hữu cơ, Công ty đã đầu tư, cải tiến công nghệ để “định vị” vững chắc thương hiệu Chè Biển Hồ trên thị trường trong và ngoài nước.
Đóng gói chuối xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. Ảnh: Hà Duy |
Mặc dù mới đi vào hoạt động khoảng hơn 2 năm nhưng Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn hiện là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu chuối rất lớn với khoảng 20.000 tấn/năm tại thị trường các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Qatar, Israel...
Ông Nguyễn Quang Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty-cho hay: Để phục vụ xuất khẩu, Công ty đã đầu tư trồng chuối theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Với diện tích 216 ha, Công ty sử dụng hệ thống tưới tự động, vận chuyển chuối từ vườn đến chỗ tập kết bằng ròng rọc, sử dụng 2 máy bay không người lái để phun thuốc… Nhằm mở rộng quy mô hoạt động xuất khẩu, Công ty đã lên kế hoạch trong tương lai gần sẽ liên kết với nông dân để tạo nên vùng nguyên liệu rộng lớn.
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-khẳng định: “Gia Lai có tiềm năng, lợi thế rất lớn để tạo ra các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp xuất khẩu và có 3 doanh nghiệp được Bộ Công thương công nhận là “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021. Điều đó cho thấy nông sản Gia Lai đã dần nâng tầm về giá trị. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ để các doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn và nông sản Gia Lai sẽ được đưa đến nhiều quốc gia trên thế giới”.