(GLO)- Gốm Chu Đậu là dòng gốm độc đáo hình thành và phát triển từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII, đạt đến đỉnh cao ở thế kỷ XV, ở làng Chu Đậu và làng Mỹ Xá, thuộc các xã Thái Tân và Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Thời kỳ trước đây, đồ gốm Chu Đậu gần như vô danh tại các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở Việt Nam, nhưng lại nổi tiếng tại các bảo tàng lớn trên thế giới. Thậm chí, người ta còn nhầm tưởng chiếc bình gốm vẽ hoa cúc dây, có in dòng chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” trưng bày tại Bảo tàng Tokapi Saray (Thổ Nhĩ Kỳ) là “Đồ sứ Trung Quốc, thời Minh”. Sau này, các nhà nghiên cứu đã tìm ra những cứ liệu xác thực chứng minh chiếc bình này thuộc dòng gốm Chu Đậu, thế kỷ XV, ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Việt Nam. Khi các nhà khảo cổ khai quật con tàu bị đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) thì phát hiện hơn 240.000 món đồ gốm Chu Đậu có niên đại khoảng thế kỷ XV, dòng gốm này được nhiều người quan tâm và trở nên nổi tiếng thế giới.
Mặt ngoài và bên trong chiếc đĩa gốm Chu Đậu cổ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Anh Minh |
Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang sở hữu một chiếc đĩa gốm Chu Đậu thế kỷ XV do ông Trương Duy Là (số 777 đường Quang Trung, tổ 6, phường An Bình, thị xã An Khê) sưu tầm. Ông Huỳnh Bá Tính-cán bộ Bảo tàng tỉnh, người trực tiếp sưu tầm chiếc đĩa-cho biết: “Trải qua quá trình giao thương hàng thế kỷ, chiếc đĩa gốm Chu Đậu đã theo chân các thương lái có mặt tại vùng đất An Khê. Ông Trương Duy Là yêu thích sưu tầm cổ vật. Năm 2005, ông đã mua lại chiếc đĩa này của một người dân trong vùng để trưng bày”.
Đĩa gốm Chu Đậu được tráng men trắng ngà với hoa văn màu lam chàm, có đường kính miệng 23,5 cm, đường kính đáy 16 cm, cao 6 cm. Hoa văn trong lòng đĩa gồm hai phần. Vành đĩa cao 5 cm, vẽ cành lá, tâm đĩa vẽ bông hoa cúc gồm 7 cánh, các phần hoa văn được tách biệt với nhau bởi các vòng tròn đồng tâm. Bên ngoài thành đĩa vẽ 9 cánh sen nối tiếp nhau thành vòng tròn màu lam chàm. Dưới đáy đĩa có những vòng tròn đồng tâm men nâu đặc trưng gốm Chu Đậu. Tìm kiếm thông tin qua mạng internet, ở Bảo tàng Nghệ thuật Dresden (Đức) đang trưng bày một chiếc đĩa gốm Chu Đậu vẽ hoa cúc, đáy tô men nâu, thế kỷ XV, có nhiều nét tương đồng với chiếc đĩa gốm ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai.
Chiếc đĩa gốm Chu Đậu vẽ hoa cúc, đáy tô men nâu, thế kỷ XV, hiện vật của Bảo tàng Nghệ thuật Dresden, Đức. Ảnh nguồn internet |
Gốm Chu Đậu được làm hoàn toàn thủ công từ loại đất sét trắng được khai thác ở một nơi đặc biệt của vùng Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Đó là trầm tích được lắng đọng qua hàng ngàn năm ở nơi giao nhau giữa 6 con sông (Lục đầu giang). Hoa văn trên gốm Chu Đậu thường phản ánh đời sống nông thôn Việt Nam và được vẽ bằng men màu, khác với hoa văn trên gốm thời Lý-Trần chịu ảnh hưởng bởi triết lý Phật giáo và được khắc chìm hay đắp nổi. Đáy đồ gốm thời Lý thường để trơ đất mộc, đáy đồ gốm Chu Đậu thường được vẽ một lớp men nâu, đậm màu, có khi vẫn còn nguyên dấu bút. Lớp men nâu này để bảo vệ đáy chén đĩa. Đây cũng là những đặc điểm phân biệt đồ gốm Việt Nam và đồ gốm Trung Quốc. Cùng với bình tỳ bà và bát Chu Đậu, đĩa Chu Đậu là những đồ gốm đẹp nổi tiếng, được rất nhiều viện bảo tàng và nhà sưu tập quốc tế ưa chuộng. Cũng chính vì thế mà đĩa gốm Chu Đậu trở nên quý hiếm đối với các bảo tàng ở Việt Nam. Hiện nay, đồ gốm Chu Đậu được trưng bày tại 46 bảo tàng của 32 quốc gia trên thế giới.
Chiếc đĩa gốm Chu Đậu tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã vượt ra ngoài giá trị sử dụng, nó có giá trị như một tác phẩm nghệ thuật, vượt qua cả giới hạn về mặt không gian và thời gian. Trong ý thức của những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng, đây là hiện vật quý, mang ý nghĩa là tư liệu lịch sử vô giá, minh chứng cho một thời kỳ phát triển rực rỡ của gốm Việt Nam vươn mình ra thế giới.
NGUYỄN ANH MINH