TN - Đất & Người

Độc đáo món đọt mây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đọt mây rừng nướng ống lồ ô là món ăn mới chỉ nghe thôi đã kích thích sự tò mò. Vậy nên, một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về làng Hde (xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Pah, Gia Lai) để tận “mục sở thị”.

 

Lên non tìm “của để dành”

Đúng hẹn, từ sáng sớm già làng Kranh đã đón chúng tôi ngay tại nhà rông. Câu đầu tiên già Kranh hỏi chúng tôi là: “Nhà báo muốn thưởng thức món ăn luôn hay thích trải nghiệm tìm kiếm nguyên liệu trước?”. Đương nhiên món ăn sẽ ngon hơn nếu tự mình vào rừng khai thác nguyên liệu rồi đem về chế biến. Tưởng già Kranh đưa đi nhưng không, ông gọi điện thoại và giao nhiệm vụ lại cho Trưởng thôn Yung với lý do: “Yung nó biết chỗ có nhiều đọt mây”. Cây mây lúc trước mọc nhiều ở khu vực rẫy của bà con nhưng sau vì nhu cầu trồng trọt nhiều nên không còn đất trống cho mây phát triển. Bây giờ muốn kiếm đọt mây phải đến những khu vực ven suối hoặc gần bìa rừng.

Anh Yung và bó đọt mây rừng vừa kiếm được. Ảnh: Đ.Y



Dẫn chúng tôi men theo con đường mòn đến khu vực suối Yar cách làng chừng vài cây số, anh Yung cho hay: “Với người dân trong làng, cây mây như “của để dành”, là lộc Yàng ban”. Thiếu nguyên liệu đan lát, người dân vào rừng tìm mây; mỗi khi làm nhà hay sửa nhà rông cũng phải dùng đến mây vì sự bền chắc, không bị mối mọt, có thể buộc kèo, liếp, mái nhà... Còn đọt mây trước kia là thực phẩm chống đói của bà con. Không có gạo, không có mắm, chỉ cần lên rừng, vào rẫy chặt đọt mây về là có bữa ăn ngon”. Tuy nhiên, việc khai thác đọt mây cũng không dễ dàng, vì cây mây mọc theo bụi và rất nhiều gai. Nói rồi anh Yung cầm rựa, tiến đến bụi mây phía trước mặt, chọn những cây mây cao, to rồi lựa thế để chặt mà không bị gai mây đâm vào người. Chặt khoảng 6 cây mây, anh Yung dừng lại và quay qua giải thích: “Như thế này là đủ cho khoảng 6 người ăn rồi, để dành bữa sau lại chặt tiếp chứ mình chặt hết mai mốt có khách ghé làng không có món ngon để thết đãi”. Sau khi chặt bỏ 2 đầu, giữ lại khúc giữa của thân mây chừng 40-50 cm, anh Yung tiếp tục róc bỏ phần gai cũng như phần vỏ cứng bên ngoài của cây mây để lấy phần đọt trắng ngà bên trong.

Hoàn thành công việc tìm kiếm nguyên liệu, chúng tôi quay trở về làng với tâm trạng háo hức vì sắp được thưởng thức “đặc sản” của làng.

Hương vị núi rừng

Anh Yung cho hay: Người làng Hde có thể chế biến đọt mây thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng ngon nhất vẫn là đọt mây nướng ống lồ ô. Phải chọn ống lồ ô có nhiều nước, khi nướng trộn đều đọt mây với gia vị sẽ tạo nên hương vị đặc trưng. Vừa nói, anh Yung vừa lấy phần non nhất của đọt mây băm nhuyễn với thịt heo (hoặc có thể dùng thịt chim, chuột), sau đó trộn đều với nước mắm, muối, ớt, lá é rồi cho vào ống lồ ô, sau đó bịt kín bằng lá chuối. Đem những ống lồ ô nướng trên bếp than sau chừng 30 phút, chúng tôi đã ngửi thấy mùi thơm lựng tỏa ra khắp gian bếp.

Vợ chồng anh Yung sơ chế đọt mây rừng để chuẩn bị chế biến. Ảnh: Đ.Y



Chẻ đôi ống lồ ô, trút phần nhân bên trong ra đĩa, chúng tôi cùng nhau thưởng thức món ăn khi khói vẫn bốc lên nghi ngút. Vị đắng của mây, vị mặn của muối, vị cay của ớt và vị ngọt từ thịt, tất cả hòa quyện tạo nên một món ăn vô cùng độc đáo. Đặc biệt, món ăn càng trở nên ngon hơn khi chấm thêm một chút muối é và ăn cùng cơm lam. Trưởng thôn Yung bộc bạch: “Ngoài món nướng, đọt mây còn có thể luộc, xào, làm gỏi, nấu canh với tôm, thịt hoặc nấu với ốc đá, cá suối… tùy vào sở thích của mỗi người. Đọt mây ngày càng ít nên bây giờ chỉ vào những dịp quan trọng như: làm nhà, đãi khách hoặc ngày lễ, ngày Tết mới có món này”. Ngồi bên cạnh, già Kranh cho biết thêm, đọt mây không chỉ là món ăn truyền thống của dân làng mà còn được xem như bài thuốc quý, có thể chữa bệnh sốt rét, đầy bụng, phụ nữ thiếu sữa sau sinh...

Món đọt mây rừng sẽ ngon hơn khi ăn kèm cơm lam. Ảnh: Đ.Y



Hơn 20 năm sinh sống, làm việc và “3 cùng” với người dân xã Đak Tơ Ve, anh Nguyễn Văn Quang-cán bộ thú y-cho hay, anh có nhiều cơ hội được thưởng thức những món ăn độc đáo của người dân nơi đây, nhưng ấn tượng nhất vẫn là món đọt mây nướng ống lồ ô. “Mọi ngọt, bùi, cay, đắng đều chứa đựng trong món ăn này. Nếu hôm nào đó bị đầy bụng hoặc uống hơi quá chén, chỉ cần ăn vài miếng đọt mây là đầu óc tỉnh táo, bụng cũng nhẹ hẳn”-anh Quang chia sẻ.

Thực tế, cây mây vốn không xa lạ với người dân nhưng không phải ai cũng biết dùng đọt mây để chế biến thành món ăn và càng ít người có cơ hội được thưởng thức món đặc sản này. Riêng với chúng tôi hôm ấy, món đọt mây rừng nướng lồ ô không chỉ là đặc sản núi rừng mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống, về nhân sinh và truyền thống văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Bahnar nói chung và dân làng Hde nói riêng.

 

 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm