Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đọc sách thời bao cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm bao cấp, đời sống gia đình còn khó khăn, tiền bạc thì họa hoằn lắm một học trò nghèo như tôi mới có quyền sở hữu. Vậy nên, khi học bài xong, tôi theo lũ bạn đi nhặt phế liệu để bán lấy tiền. Hoặc khi vào vụ gặt, tôi giúp việc nhà, lâu lâu được mẹ giúi cho vài chục đồng, gọi là… tiền công. Tất tật số tiền ít ỏi có được ấy, tôi đem “đầu tư” vào sách.

Thời ấy, cách nhà tôi chừng 5 cây số là một thị trấn nhỏ, nơi có “Hiệu sách nhân dân” duy nhất trong huyện. Mỗi khi có tiền, tôi lại cọc cạch đạp xe hớn hở phi tới tận nơi. Tiêu chí chọn sách của tôi là… xem độ dày với giá bìa trước khi tính tới nội dung. Sách càng dày mà giá bìa càng rẻ là mua. Với tiêu chí ấy, tôi đã từng mua về cuốn tiểu thuyết “Rừng U Minh” của tác giả Trần Hiếu Minh. Sách dày gần 900 trang mà giá đâu chỉ mươi đồng bạc thời điểm năm 1976.

Rẻ thì có rẻ, nhưng khổ nạn nhất của kinh doanh thời bao cấp là nạn đầu cơ, tuồn sách hay ra thị trường “chợ đen”. Ấy là chuyện khi lớn hơn, tôi mới cay đắng phát hiện ra: Sách bày bán công khai, nằm lâu trên kệ nhà sách đa phần đều là sách… dở. Những cuốn sách hay, sách của các tác giả nổi tiếng đều đã “lượn một vòng ngoạn mục” ra sạp tư nhân từ lâu. Và đã ra ngoài đương nhiên sẽ đội giá lên gấp đôi, gấp ba. Còn nhớ, khoảng năm 1983, tôi ghé vào hiệu sách nhân dân trên thị trấn, thấy bày bán tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của G.G.Marquez. Mừng quá, hỏi giá, cô bán hàng bảo: Chưa có giá! Quyết mua sách bằng được nên hôm sau tôi lại ghé. Ngó lên tủ thấy không còn sách, hỏi, cô nhân viên trả lời tỉnh bơ: Bán hết rồi. Cuốn sách ấy, sau này một người bạn “đại gia” của tôi phải cắn răng mò ra chợ đen mua với số tiền gấp ba giá bìa. Chưa hết, câu chuyện đầu cơ sách còn có pha ngoạn mục khác: Những danh tác lớn, in nhiều tập sẽ bị “tuồn” đi bớt 1 tập (đầu hoặc cuối). Kết quả còn lại trên kệ nhà sách đều là những bộ sách thiếu. Giá rẻ thôi, nhưng khách nào muốn có được cuốn thiếu (cho trọn bộ) lại phải ra… chợ đen.

Rồi thời gian khó ấy cũng qua. Các thư viện cơ sở lần lượt được mở, được trang bị sách báo để phục vụ bạn đọc. Sách chưa nhiều, nhưng có đọc đã là mừng. Vậy nên, quỹ thời gian của tôi, trừ những khi học hành, lao động kiếm sống, phần còn lại dành hết cho thú đi thư viện. Sách bán ngoài thị trường được “cởi trói”, xuất bản in ấn cũng ngày càng phong phú. Giờ thì sách hay tương đối dễ tìm, có điều giá đắt hơn xưa.

Kể chuyện cũ để hiểu cảm giác hiện tại của tôi, khi ngồi nhà chỉ cần gõ địa chỉ lên mạng “đặt hàng online”, chỉ 3-5 ngày sau, cuốn sách quý sẽ được giao tận nhà với giá phải chăng. Vậy nên, để rửa “nỗi hận” muốn đọc sách phải “lên bờ xuống ruộng” khổ sở ngày ấy, hễ thấy các nhà sách “tiếp thị” cuốn nào ưng ý là tôi lập tức đặt mua. Khổ nỗi bây giờ mắt kém, quỹ thời gian lại hạn hẹp nên việc đọc vất vả hơn nhiều so với thời trai trẻ.

Có thể bạn quan tâm