Bạn đọc

Mua hàng thời bao cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày nay, hàng hóa phong phú, thực phẩm dôi dư nên ít người suy nghĩ về chuyện ăn như thời bao cấp. Khi tôi kể lại chuyện cũ, mấy đứa con tôi ngồi nghe mà mắt tròn mắt dẹt. 
Sau ngày đất nước thống nhất, cán bộ, công nhân viên đều hưởng lương và phụ cấp lương thực, nhu yếu phẩm. Lương khởi điểm là 36 đồng, hàng hóa được phân phối theo tiêu chuẩn. Vì vậy, đồng tiền tuy ít nhưng hàng hóa đều được bán ra với giá bao cấp, rất rẻ. Và, cuộc sống như vậy vẫn chấp nhận được so với người nông dân lao động thời ấy.
 Xếp hàng mua chất đốt thời bao cấp (ảnh tư liệu).
Xếp hàng mua chất đốt thời bao cấp (ảnh tư liệu).
Năm 1980, vợ chồng tôi đều là cán bộ, công nhân viên nên có tiêu chuẩn tem phiếu. Để có được thực phẩm tươi bồi dưỡng cho vợ lúc sinh con, sau khi gom 3 tháng đủ tem 4 kg thịt của hai vợ chồng, 4 giờ sáng chủ nhật hôm đó, tôi đạp xe đến cửa hàng để xếp hàng nộp sổ. Cửa hàng còn đóng cửa im ỉm. Ai đến trước cứ úp sổ xuống nền, xếp chồng lên rồi lần lượt đến người kế tiếp, trên cùng là hòn gạch đè. Tất cả ngồi chờ, lâu lâu liếc xem cuốn sổ còn nằm đó hay không.
7 giờ sáng, cửa hàng mở cửa, chồng sổ được đưa vào bàn lật ngược lên, sổ dưới thành nằm lên trên và bắt đầu bán hàng. Mọi người cứ nôn nao hỏi, cô bán hàng vừa nhanh tay đưa chiếc dao to bản sáng choang lên “phập” xuống khúc xương, vừa nói: “Chờ nhá! Đừng hỏi nhiều. Đến lượt sẽ gọi tên!”.
Tôi, phần thì đói bụng, nóng ruột chờ đợi, vì nếu bỏ đi, khi đến lượt gọi tên không có coi như qua đến tuần sau mới mua được. Sổ tôi nộp xếp thứ 6 nhưng đến hơn 10 giờ mới nghe xướng tên. Sau khi đưa các tem cộng lại thành 4 kg thịt, cô bán hàng phán một câu: “Hết thịt, còn xương, quy đổi 2 kg xương bằng 1 kg thịt nhá!”. Tôi đành chấp nhận bỏ vào giỏ xách mang về. Má tôi hăm hở mở ra nhìn, tay lật đảo mấy miếng xương nói: “Thôi cũng được, có còn hơn không, lóc ít thịt nạc kho tiêu, còn xương nấu rục với đu đủ để mẹ nó ăn cho có sữa”.
Cuốn sổ gạo hồi đó quý hơn vàng. Nếu mất sổ gạo là coi như mấy tháng sau phải nhịn ăn để chờ lên tỉnh cấp sổ mới. Thấy ai đó buồn bã về chuyện gì, anh em thường giễu nhau câu: “Mặt lơ ngơ như mất sổ gạo”. Do vậy, cuốn sổ gạo được mọi người bảo quản, cất vào rương khóa kỹ như báu vật, có người còn ép ni lông, kẹp vào bìa cứng bọc ngoài để giữ gìn.
Việc mua gạo không phải dậy sớm, xếp hàng nộp sổ như mua thịt cá, vì hàng ngày cửa hàng đều bán. Thường thì sau khi tôi đẩy bao gạo về nhà, vợ tôi mở bao đổ gạo ra nia để sàng sảy. Nửa phần dưới gạo đã vón cục, mọt đen bay lên bám đầy người. Khi vo gạo để nấu, bóp nhẹ tay để hạt gạo không tan ra bột, gạt bớt phần gạo nổi bỏ đi để nấu cho heo. Nồi cơm khi nấu lên độn thêm mì lát hoặc khoai lang khô mà mùi gạo mọt cứ còn hăng hắc.
Những năm sau này, đất nước đổi mới, xóa bỏ bao cấp, nguồn lương thực sản xuất theo chế độ khoán, hàng hóa được sản xuất nhiều và giá cả dần bình ổn. Theo đó, các công ty lương thực, công ty thương nghiệp cũng lặng lẽ giải thể và các loại tem phiếu, sổ gạo cũng lui dần vào quá vãng.
Ngày nay, khi bưng chén cơm trắng, miếng thịt ngon, đi chiếc xe máy là chuyện nhỏ của mỗi gia đình. Đôi lúc nghĩ đến thời “cổ tích” ta càng thấy thấm thía với những lớp người đã sống và làm việc trong thời kỳ bao cấp “gạo mọt, thịt chờ” nhưng vẫn ung dung, vui vẻ làm việc hết mình.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm