Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Đổi mới sáng tạo thúc đẩy khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội thảo khoa học với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo-Kết nối và phát triển bền vững” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục (IRES) tổ chức tại TP. Pleiku vào chiều 21-4 không chỉ cung cấp kiến thức hữu ích mà còn truyền cảm hứng, động lực khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và doanh nghiệp trẻ.

Chị Phạm Thị Bình-chủ cơ sở Trà Nam Phúc (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Ảnh: Mộc Trà
Chị Phạm Thị Bình-chủ cơ sở Trà Nam Phúc (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Ảnh: Mộc Trà

Với mục tiêu đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Về phía Gia Lai, UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch với những nội dung cụ thể để triển khai thực hiện đề án này trên địa bàn. Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-khẳng định: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho mọi thành phần kinh tế.

Vậy, một doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up) cần những yếu tố gì? Các chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo? Những hạn chế, vướng mắc trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay vai trò của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nhà trường như thế nào?... Tất cả câu hỏi đó đều đã được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp và tháo gỡ tại buổi hội thảo.

Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Đức Hùng-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục-cho rằng, sở dĩ nhiều mô hình khởi nghiệp địa phương hiện nay rơi vào thất bại là do sản phẩm không sát hợp với nhu cầu của khách hàng; định vị sai thị trường, ra mắt sai thời điểm; không thể hiện được sự khác biệt và tính độc đáo của sản phẩm; chức năng sản phẩm kém cỏi hoặc thị trường mới vượt quá nguồn lực, khả năng của người khởi nghiệp... Theo Tiến sĩ Hùng, muốn khởi nghiệp thành công cần phải dựa vào 3 trụ cột chính: sản phẩm tốt, giá thành hợp lý và giải pháp tốt (phù hợp với thị trường, khách hàng). “Phân tích quy trình sáng tạo-đổi mới-thương mại hóa cho thấy, hoạt động đổi mới chỉ thực hiện tốt và có hiệu quả khi và chỉ khi có nguồn ý tưởng sáng tạo dồi dào. Tính mới của ý tưởng kinh doanh có tầm quan trọng rất lớn trong việc quyết định sự chấp nhận của thị trường và khả năng sinh lợi. Trở nên mới hơn không chỉ liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ mà nó còn bao hàm việc sử dụng các phương pháp sản xuất và phân phối mới làm tăng hiệu quả so với trước đây”-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục nêu quan điểm.

Tháng 10-2021, chị Phạm Thị Bình (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) chính thức khởi sự kinh doanh với cơ sở Trà Nam Phúc. Cơ sở của chị chuyên sản xuất và bán các loại trà thảo mộc (trà sả chanh, mãng cầu xiêm, bí đao...) và thu mua, chế biến lại một số mặt hàng nông sản. Chị Bình cho hay: “Khi ra mắt các dòng sản phẩm, tôi chỉ nghĩ đơn giản là tiêu thụ và góp phần nâng cao giá trị mặt hàng nông sản của địa phương. Tuy nhiên, sau khi nghe các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo, tôi nghĩ rằng mình cần bổ sung và điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Không phải cứ thích thì làm mà còn phải nhận định thị trường và tạo ra được sản phẩm thật sự khác biệt”.

Em Nguyễn Thị Phương Nga (bìa phải)-học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) và bạn cùng tìm hiểu về kiến thức khởi nghiệp tại hội thảo. Ảnh: Mộc Trà
Em Nguyễn Thị Phương Nga (bìa phải)-học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) và bạn cùng tìm hiểu về kiến thức khởi nghiệp tại hội thảo. Ảnh: Mộc Trà


Vấn đề khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ tại hội thảo. Tiến sĩ Từ Minh Thiện-Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến (TP. Hồ Chí Minh) thông tin: Thời gian qua, hoạt động ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai trong khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân có các kết quả nghiên cứu, ý tưởng khoa học công nghệ trong nông nghiệp và có dự án kinh doanh khả thi phát triển thành các doanh nghiệp công nghệ. Nhờ đó, các hoạt động góp phần tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường, có khả năng kinh doanh hiệu quả. Khi tham gia, người khởi nghiệp sẽ nhận được những hỗ trợ đầy đủ về hệ thống trang-thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; nhận được sự tư vấn của các chuyên gia và sự hỗ trợ về quảng bá xúc tiến thương mại, các khóa đào tạo về quản lý và nhân sự cho doanh nghiệp...

Em Hoàng Thanh Dương-sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp-Phân hiệu Gia Lai-chia sẻ: “Em đang theo học ngành Khoa học cây trồng. Từ lâu, em đã có ý tưởng sẽ xây dựng một vườn ươm công nghệ cao để bảo tồn một số nguồn gen quý hiếm. Tuy nhiên, em gặp khó về nguồn giống và vốn đầu tư. Sau khi tham gia hội thảo và nhận được sự tư vấn, phúc đáp của các chuyên gia, em đã tháo gỡ được vướng mắc của bản thân, đồng thời hiểu rằng mình phải tạo ra được sản phẩm mới, khác biệt để thu hút và có được sự tín nhiệm từ các nguồn vốn hỗ trợ”.

Ngoài cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, hội thảo lần này còn truyền cảm hứng, động lực cho những học sinh đam mê khởi nghiệp. “Khá nhiều điều thú vị và mới mẻ tại hội thảo đã giúp em kiên định hơn với ý tưởng kinh doanh nhà hàng, khách sạn của mình. Bên cạnh học tập thật tốt để theo học chuyên ngành đại học liên quan, thời gian đến, em sẽ cố gắng tạo cho mình cơ hội được đi học hỏi kinh nghiệm thực tế nhiều hơn về quản lý nhà hàng, khách sạn nhằm chuẩn bị cho bản thân một nền tảng kiến thức vững vàng và thật sự đổi mới sáng tạo khi bắt tay vào khởi nghiệp”-em Nguyễn Thị Phương Nga-lớp 11A2 (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê) khẳng định.

 

 MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm