Đón đầu những thay đổi lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cuối tháng 12-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học) và kế hoạch thực hiện, bắt đầu đưa vào áp dụng ở lớp đầu tiên của bậc Tiểu học từ năm học 2020-2021. Như vậy, chỉ còn 1 năm học nữa thì ngành GD-ĐT cả nước sẽ đồng loạt thực hiện chương trình mới với nhiều thay đổi căn bản về cả nội dung lẫn phương pháp giảng dạy.
Chương trình GDPT hiện hành thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động và sáng tạo của địa phương và nhà trường cũng như của tác giả SGK và giáo viên. (Ảnh: Mỹ Hà/Dantri)
Chương trình GDPT hiện hành thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động và sáng tạo của địa phương và nhà trường cũng như của tác giả SGK và giáo viên. (Ảnh: Mỹ Hà/Dantri)
Có thể xem đây là đợt cải cách sâu rộng đối với nền giáo dục nước ta theo Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 88/2014/QH 13 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; đồng thời đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên, giảm số môn học bắt buộc, tăng các môn học và hoạt động tự chọn. Chương trình giáo dục phổ thông mới tuy có kế thừa chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhưng cái khác nhau cơ bản là một bên nặng về cung cấp kiến thức còn một bên chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Yêu cầu đối với học sinh học xong chương trình giáo dục phổ thông cũ là các em “biết” được gì; còn với chương trình giáo dục phổ thông mới là các em “làm” được gì? Do vậy, phương pháp giáo dục sẽ thiên về kỹ năng ứng dụng và thực hành sát với thực tế cuộc sống.
Việc sử dụng sách giáo khoa trong chương trình mới cũng cởi mở hơn với “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”. Ngoài bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT biên soạn, các nhóm tác giả cũng có quyền xuất bản sách giáo khoa trong khung chương trình quy định; các cơ sở giáo dục cũng được phép chọn bộ sách thích hợp để áp dụng cho đơn vị mình.
Vấn đề quan trọng hiện nay là công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông, người trực tiếp thực hiện chương trình giáo dục mới; đầu tư đủ cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy và học theo yêu cầu mới cho các cơ sở trường học. Ngành GD-ĐT tỉnh ta cũng đã khởi động theo tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông từ năm học trước. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học được chú trọng; tiến hành sáp nhập một số trường học; đẩy mạnh việc xây dựng các trường chuẩn quốc gia. Bậc Tiểu học hiện nay đã có 100/277 trường đạt chuẩn quốc gia và phấn đấu đến năm 2020 có trên 60% trường đạt chuẩn. Các trường đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. Xây dựng kho bài giảng e-learning trực tuyến, đáp ứng nhu cầu tự học và học tập suốt đời của người học. 100% giáo viên sử dụng máy tính để soạn giảng.
Riêng công tác bồi dưỡng, trang bị kỹ năng ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực, dạy tích hợp một số môn cho giáo viên theo yêu cầu của chương trình mới cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ vì thời gian không còn dài. Trong thực tế, giáo viên trên địa bàn tỉnh, nhất là giáo viên Tiểu học và THCS một số chưa được chuẩn hóa, một số học lên theo hình thức tại chức, từ xa nên kiến thức còn hạn chế, kỹ năng sư phạm, phương pháp dạy học vẫn còn theo lối mòn, cần phải có thời gian rèn luyện để thích nghi với cái mới. Vì vậy, ngành GD-ĐT cùng các trường sư phạm cần có kế hoạch, phương án cụ thể về công tác bồi dưỡng giáo viên theo chương trình mới; đặc biệt nên có nhiều chuyên đề trực tuyến và tài liệu mới để giáo viên có thể tự nghiên cứu, áp dụng vào thực tế giảng dạy.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm