Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Đón đợi ngày hội cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 tại Gia Lai sẽ được tổ chức vào đầu tháng 11-2018 với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên”. Như vậy, sau gần 10 năm Festival Cồng chiêng quốc tế được tổ chức tại tỉnh ta (năm 2009), những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên lại có cơ hội trải nghiệm “Những ngày văn hóa Tây Nguyên” thực sự ấn tượng, lắng đọng.

Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 do tỉnh Gia Lai tổ chức, có sự tham gia của 4 tỉnh Tây Nguyên với lực lượng nghệ nhân, diễn viên khoảng 1.200 người. Ngoài chương trình khai mạc và bế mạc sẽ diễn ra tại TP. Pleiku, đa số các hoạt động chính của lễ hội sẽ được tổ chức tại các địa phương như: Kbang, Đak Đoa, Chư Pah, nghĩa là ngay tại môi trường sống của nghệ thuật cồng chiêng. Ở đó, cồng chiêng mới có hồn nhất, hấp dẫn nhất.

 

Không gian văn hóa cồng chiêng luôn có sức hấp dẫn đối với những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên. Ảnh: H.N
Không gian văn hóa cồng chiêng luôn có sức hấp dẫn đối với những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên. Ảnh: H.N

Các hoạt động chính của Festival Cồng chiêng năm nay gồm có: Lễ hội đường phố diễn ra trên các đường phố ở TP. Pleiku; phục dựng một số lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa như Mừng lúa mới, Mừng nhà rông mới, phần phục dựng nghi lễ của các tỉnh Đak Lak, Lâm Đồng, Đak Nông, Kon Tum; trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; sinh hoạt văn nghệ dân gian như diễn xướng sử thi Tây Nguyên, hát dân ca; triển lãm ảnh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; triển lãm và trình diễn nhạc cụ các dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, lễ hội cồng chiêng còn có một số hoạt động bổ trợ như: làm phim, phóng sự về văn hóa cồng chiêng; công bố tour du lịch cộng đồng và tổ chức đoàn famtrip (du lịch kết hợp khảo sát) có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch lớn của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội; hội thảo khoa học quốc tế về Thời đại đá cũ ở Việt Nam. Trong khuôn khổ các hoạt động Festival, du khách và người dân còn có cơ hội thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên với những “món ngon nhớ lâu” tại các quầy hàng ẩm thực, mua những món quà kỷ niệm làm bằng tay hết sức tinh tế tại hội chợ làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, thời điểm diễn ra Festival Cồng chiêng Tây Nguyên trùng với lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya; như vậy, ngoài thưởng thức cồng chiêng, du khách sẽ có dịp ngắm dã quỳ Tây Nguyên trên miệng núi lửa với những cảm xúc mới mẻ, ấn tượng.

Với đội ngũ nghệ nhân, diễn viên hùng hậu và các hoạt động bổ trợ hấp dẫn, Festival Cồng chiêng Tây Nguyên được kỳ vọng sẽ mang đến những “Ngày văn hóa Tây Nguyên” hấp dẫn tại Gia Lai. Không chỉ là hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng, đối với Gia Lai, đây còn là sự kiện hướng đến nhiều mục tiêu. Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: “Mục tiêu chính là đánh giá quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của di sản để có chiến lược phù hợp. Đây còn được xem là hoạt động văn hóa trọng tâm của tỉnh, là dịp để quảng bá hình ảnh Gia Lai đến bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, phát triển, nhất là trên lĩnh vực du lịch”.

Ngoài ra, ông Phan Xuân Vũ cho biết, hiện các địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên đều đã xây dựng ít nhất một thương hiệu văn hóa-du lịch từ lễ hội như Đak Lak có lễ hội cà phê, Lâm Đồng có lễ hội hoa và lễ hội trà, Gia Lai cũng phải tạo ra điểm nhấn văn hóa để từ đó dần phát triển và tạo thành thương hiệu riêng cho du lịch, mà Festival Cồng chiêng là cơ hội cần nắm bắt.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm