Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Đón người vùng dịch: Bình Định không hoan nghênh "tự phát hồi hương"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trưa 31.7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, kế hoạch đón người từ vùng dịch chưa khép lại, song địa phương không khuyến khích dòng người ồ ạt đổ về theo lối “tự phát hồi hương”.

Đón người từ vùng dịch về quê. Ảnh chụp tại sân bay Phù Cát Ảnh: TH
Đón người từ vùng dịch về quê. Ảnh chụp tại sân bay Phù Cát. Ảnh: TH


Ông Long nói: “Chúng tôi đã rất băn khoăn, đã cân nhắc nhiều khía cạnh. Hôm qua, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh họp, bàn tính nát nước mới đi tới lựa chọn mà nguy cơ gây tổn thất sẽ ít hơn. Bình Định luôn đau đáu với phần máu thịt còn mắc kẹt tại vùng dịch. Những ngày qua, hơn 350 tấn hàng cứu trợ được vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, nguy cơ lây lan, bùng phát rất cao trong khi năng lực tiếp nhận cách ly, điều trị có giới hạn. Những ngày gần đây, có trên 16.000 người tự phát về quê. Rất nhiều trường hợp trong số đó dương tính với SARS-CoV-2. Việc điều chỉnh biện pháp kiểm soát tại thời điểm này là hết sức cần thiết. Đằng sau chúng ta còn có 1,6 triệu người dân. Họ cũng đang bị dịch bệnh đe dọa mỗi ngày”.

Tính đến nay, bằng đường hàng không, Bình Định đã đưa 743 công dân về lại quê nhà. Con số trên là rất ít ỏi so với nhu cầu thoát khỏi vùng dịch của người Bình Định tha phương. “Hoạt động “giải cứu” không dừng lại sau chuyến bay thứ 4 như kế hoạch ban đầu. Chúng tôi đang nỗ lực đưa bà con trở về càng nhiều càng tốt, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện đã có lịch bay cho chuyến thứ 5 vào ngày 4.8, tức đầu tuần tới. Và đấy chưa phải chuyến cuối cùng”, Chủ tịch Nguyễn Phi Long thông báo việc nhất thiết phải tạm dừng tình trạng “tùy nghi di tản”.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bình Định, tỉnh này có 161 ca nhiễm SARS-CoV-2. Số ca nhiễm ngoại lai từ vùng dịch về là 104; số ca phát hiện trong cộng đồng là 17; số ca nhiễm do lây thứ phát: 40, bao gồm 12 nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Trừ huyện miền núi An Lão, 10 huyện, thành phố, thị xã còn lại đều đã có người mắc bệnh. Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng chỉ ra mối lo hàng đầu: Cả 2 ổ dịch lớn ở Nhơn Phong (thị xã An Nhơn) và Cát Tường (huyện Phù Cát) đều liên quan đến nhóm người ra đi từ vùng dịch.

“Tháng ngày tươi đẹp đã qua – Chủ tịch Nguyễn Phi Long phát biểu trước báo chí. Chúng ta đang đối mặt với ca thứ 200 và còn nhiều hơn nữa. Sẽ rất nhanh thôi”.

Để đối phó với thách thức mới nảy sinh, UBND tỉnh Bình Định chủ trương siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống COVID-19. Người đứng đầu chính quyền Bình Định kêu gọi người dân sẻ chia, hợp tác trước quyết định toàn tỉnh sẽ áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg tăng cường, bắt đầu từ 6h ngày 1.8.2021. Riêng thị xã An Nhơn và xã Cát Tường tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.


Ưu tiên vaccine cho công nhân

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết cơ quan ông đang xây dựng kế hoạch tiêm 1.966.752 liều vaccine được Bộ Y tế phân bổ trong năm 2021. Hiện toàn tỉnh đã triển khai 3 đợt tiêm vaccine, tổng cộng 65.964 liều. “Trong các đợt tiêm sắp tới, chúng tôi ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người hoạt động trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa thiết yếu nhằm đảm bảo thực hiện song song hai mục tiêu: Phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”- Chủ tịch Nguyễn Phi Long khẳng định.

https://laodong.vn/xa-hoi/don-nguoi-vung-dich-binh-dinh-khong-hoan-nghenh-tu-phat-hoi-huong-936717.ldo


Theo XUÂN NHÀN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm