Đón xuân với những người giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuy là ngày Tết nhưng lực lượng bảo vệ rừng ở 3 huyện biên giới: Chư Prông, Đức Cơ và Ia Grai vẫn ngày đêm tuần tra, canh gác để gìn giữ “lá phổi xanh” đại ngàn. Vì vậy, với họ, chương trình “Tết sum vầy mừng xuân-ơn Đảng” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cùng Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp tổ chức chính là sự động viên kịp thời, ấm áp.

Ông Trần Xuân Thạch-Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Những ngày giáp Tết cũng là thời điểm Tây Nguyên đang vào mùa khô. Các đối tượng xấu thường lợi dụng thời điểm này để thực hiện hành vi xâm hại rừng. Do vậy, đây là cao điểm của công tác đấu tranh, ngăn chặn phá rừng và trực phòng-chống cháy rừng. Vì lẽ đó, những người làm nhiệm vụ giữ rừng thường không có được cái Tết trọn vẹn bên gia đình. “Với phương châm không để đoàn viên, người lao động nào không có Tết, LĐLĐ tỉnh cùng Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức chương trình: “Tết sum vầy mừng xuân-ơn Đảng” tại các ban quản lý rừng phòng hộ ở 3 huyện biên giới: Chư Prông, Đức Cơ và Ia Grai”-ông Thạch chia sẻ.


 

Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho đoàn viên, người lao động Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch (huyện Chư Prông). Ảnh: Đ.Y
Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho đoàn viên, người lao động Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch (huyện Chư Prông). Ảnh: Đ.Y

Sáng sớm một ngày giáp Tết Canh Tý 2020, tôi theo chân cán bộ LĐLĐ tỉnh về Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch, Ia Mơr (huyện Chư Prông) tổ chức chương trình. Được nghe cán bộ kiểm lâm và những người làm nhiệm vụ giữ rừng nơi đây tâm sự về những gian nan, hiểm nguy của nghề gác rừng mới thấy chương trình “Tết sum vầy mừng xuân-ơn Đảng” ý nghĩa đến nhường nào.

31 năm làm công việc giữ rừng cũng là chừng ấy thời gian ông Trần Xuân Đương (Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Mơr) chưa có được cái Tết trọn vẹn nào bên gia đình. Ông Đương nhớ lại, Giao thừa những năm trước, ông cùng đồng nghiệp vẫn lặn lội trong rừng sâu. Chỉ khi xa xa thấy có pháo hoa tỏa sáng trên bầu trời mới biết giờ khắc Giao thừa thiêng liêng đã đến. Có những vị trí không có sóng điện thoại, họ không thể liên lạc về gia đình. “Lúc đó trong lòng nhớ vợ con, nhớ gia đình da diết. Tôi chỉ ước, giờ phút ấy được bên cạnh vợ con, song vì trách nhiệm mà phải tiếp tục giữ gìn “lá phổi xanh” cho cộng đồng”-ông Đương chia sẻ.

Theo ông Đương, mỗi cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý khoảng 1.000 ha rừng. Tổng diện tích rừng mà Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Mơr quản lý là 11.000 ha, nhưng cả đơn vị chỉ có 15 người. “Khi phát hiện có đối tượng lợi dụng thời điểm nghỉ Tết để vào rừng khai thác gỗ, đốt rừng làm nương rẫy, anh em cùng nhau tỏa đi nhiều hướng giữ rừng. Giải quyết xong sự việc thì cũng hết 3 ngày Tết”-ông Đương nhớ lại. Ở Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Mơr, ông Đương là người giàu kinh nghiệm giữ rừng nhất. Theo nhẩm tính của đồng nghiệp, mỗi ngày, ông Đương lội bộ gần 20 km kiểm tra phần diện tích rừng được giao. Tính ra, 31 năm qua, ông Đương đã đi bộ hàng trăm ngàn cây số. Mỗi năm, ông phát hiện và báo cáo kịp thời về Ban Quản lý hàng trăm sự vụ liên quan.

Còn trong số nhân viên ở Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch, anh Hoàng Thanh Trúc cũng đã có 8 năm không có được cái Tết trọn vẹn cùng gia đình. Anh cho hay, chừng đó thời gian sống cùng những cánh rừng, không chỗ nào anh không tới, không có khó khăn, nguy hiểm nào anh không trải qua. Chính những năm tháng đó đã khiến cho tình yêu thiên nhiên trong anh thêm mãnh liệt. Anh tâm sự: “Thiếu thốn đủ thứ, bốn bề nhìn ra chỉ có rừng nhưng tôi không nản lòng. Công việc giữ rừng vô cùng vất vả, gian nan bởi lâm tặc rất manh động, chúng sẵn sàng dùng hung khí chống trả lực lượng chức năng. “Tết năm 2019, khi đang đi tuần tra thì chúng tôi phát hiện 2 đối tượng vận chuyển 2 khúc gỗ từ rừng sâu đi ra. Chúng tôi truy đuổi thì bị chúng uy hiếp, chống trả quyết liệt để tẩu thoát. Sau gần 2 giờ đấu tranh, chúng tôi mới khống chế được các đối tượng đưa về trạm để xử lý”-anh Trúc nhớ lại.

Trao đổi với P.V, bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch LĐLĐ tỉnh-chia sẻ: Năm 2020 là năm đầu tiên LĐLĐ tỉnh tổ chức quyên góp từ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức để tổ chức chương trình “Tết sum vầy mừng xuân-ơn Đảng”. Ngoài hơn 200 suất quà (300.000 đồng/suất) được trao tận tay cho cán bộ giữ rừng, các cán bộ Công đoàn còn tổ chức bữa cơm tất niên, giao lưu văn hóa văn nghệ để món quà xuân với người giữ rừng thêm phần ý nghĩa”. Ông Trần Xuân Đương xúc động bày tỏ: “Năm nay, Tết đến sớm hơn với những người giữ rừng khi chúng tôi được đón xuân cùng với đoàn viên, người lao động Công đoàn ngành và LĐLĐ tỉnh. Chúng tôi rất vui và hạnh phúc!”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm