Con trai tôi năm nay 7 tuổi. Cậu chàng cũng rất mê YouTube, điện thoại, nhưng hiếm khi con dùng điều đó để ra điều kiện với mẹ. Con được đáp ứng nhu cầu, còn tôi định hướng và kiểm soát. Bạn bè thường nói vì con tôi sinh ra đã ngoan nên nhàn. Nhưng không phải vậy, nếu tôi mua về bộ quần áo mà con không thích thì cu cậu sẽ kiên quyết từ chối. Vậy, tôi phải làm gì để làm bạn một đứa trẻ cá tính.
Ảnh minh họa (nguồn internet). |
Trong nhà, ngoài ti vi thì vợ chồng tôi, mỗi người 1 chiếc laptop và điện thoại cá nhân. Nhưng, nếu tôi chưa cho phép thì con không được đụng vào đồ dùng cá nhân của ba mẹ. Tôi dạy con, đồ dùng của mình, nếu mình không cho phép thì không ai được quyền xâm phạm. Ti vi thì tôi quy định: Vào khung giờ 20 giờ 30 phút, nếu làm bài tập xong thì đó là thời gian xem ti vi, thời lượng 30 phút. Còn nếu con chưa hoàn thành bài tập, có nghĩa là giờ xem ti vi giảm xuống.
Còn thời gian chơi game của con là ngày cuối tuần, mỗi ngày 1 tiếng đồng hồ. Con có thể chơi các game nhưng phải là game giải trí, miễn phí và không có bạo lực. Nếu phát hiện vi phạm thì con sẽ không sử dụng vào tuần tiếp theo. Có trò chơi con chơi cùng với cả nhà, gia đình cùng tương tác trên thế giới ảo để hiểu nhau hơn.
Hàng ngày, sau giờ làm việc, nếu không phải có gì cấp bách, tôi hạn chế dùng các thiết bị công nghệ để giải trí. Thường thì tôi dành thời gian trò chuyện cùng con. Bởi vì tôi luôn nghĩ, công việc bận rộn, ngày 8 giờ con ở trường, thời gian bên gia đình cũng chỉ có 3-4 giờ, nếu mình không tranh thủ trò chuyện thì con sẽ không có người chia sẻ. Có lẽ vì hay nói chuyện nên hàng ngày có chuyện gì ở trường con cũng kể với mẹ. Nhiều khi, có những câu hỏi hóc búa chưa nghĩ ra, tôi rủ con cùng tìm hiểu trên internet.
Tôi cũng không biết xã hội sẽ biến đổi như thế nào, bởi lẽ, vấn đề nghiện game, sở hữu thiết bị công nghệ đã trở thành “chuyện thường ngày” ở các gia đình. Vì vậy, bố mẹ cần coi đó là nhu cầu của con. Đồng thời, để thêm những trò giải trí cho con, tôi cùng con đi bộ, đi bơi, vẽ tranh, đọc sách. Mỗi lần đi đâu đó ra ngoài, tôi có thói quen nhắc con chuẩn bị cuốn sách, lego mang theo để người lớn nói chuyện, trẻ có thể giải trí mà không “mè nheo” bố mẹ.
Đồng hành cùng con trên mọi hoạt động với hành trang yêu thương, tôi cũng chỉ nghĩ rằng mình đang làm điều tốt nhất cho con mình. Muốn hiểu con thì cần chơi với con, làm bạn của con và ngồi xuống để hiểu con hơn, từ đó mà điều chỉnh cách nghĩ, thói quen, hành vi của mình để phù hợp với con và cả môi trường xã hội.