Xã hội

Gia đình

Đồng tiền rẽ lối tình thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Họ là anh em trong một gia đình, trước đó từng rất yêu thương nhau, nay họ đến tòa tranh giành tài sản cha mẹ để lại.



Phiên xét xử phúc thẩm chỉ vỏn vẹn 3 người tham dự đại diện cho 9 anh em trong một gia đình, được chia làm 2 phe. Có thể vì một lý do nào đó, ngại chạm mặt nhau hoặc không muốn rắc rối ở chốn pháp đình nên những người còn lại không xuất hiện trước tòa. Nhưng dù có mặt hay không thì tất cả đều chung một mục đích: Giành tài sản!

Đòi chia nhà

Ông N.V.Đ và bà P.T.X có 9 người con, gồm các ông: N.V Than, N.V Nhâm, N.V Thưởng, N.V. Khoa, N.V Thi và các bà N.T Thìn, N.T.P Thanh, N.T.N Hạnh và N.T.N Loan.

Khi còn sống, 2 ông bà tạo lập được khối tài sản là căn nhà 86,2 m2, do bà N.T.N Hạnh là đại diện thừa kế. Cha mẹ mất vào năm 1987 không để lại di chúc. Khối tài sản trên từ đó đến nay do ông Thưởng, ông Khoa trực tiếp quản lý. Trong quá trình quản lý sử dụng, ông Thi có bỏ ra một khoản chi phí để sửa chữa nhà, ngoài ra, ông Khoa và vợ ông Thưởng cũng có hùn tiền sửa chữa. Nay bà N.T.Thìn (SN 1947) yêu cầu tòa phúc thẩm chia căn nhà cho 9 anh chị em theo quy định của pháp luật, bà Thìn tự nguyện chịu chi phí thẩm định giá.

 

Minh họa: KHỀU
Minh họa: KHỀU



Tại phiên tòa, nguyên đơn là bà Thìn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện (đã xử trong phiên sơ thẩm trước đó), thống nhất kết luận của hội đồng định giá, không bổ sung chứng cứ nào khác. Còn phía bị đơn gồm ông Thi và ông Khoa thì phản bác lại.

Sở dĩ có việc ông Thi và ông Khoa kháng cáo ra phiên tòa phúc thẩm là do cho rằng trước đó, tòa án cấp sơ thẩm đã thiếu khách quan, chỉ dựa vào lời khai của nguyên đơn, không xem xét thẩm định giá, không lấy ý kiến của từng cá nhân nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người này.

Ông Thi cho rằng trước đó ông bỏ ra 1 tỉ đồng để sửa chữa lại căn nhà (phần bị mục nát, thay mới, lợp lại mái tôn...). Đến tháng 6-2015, ông Khoa lại tiếp tục bỏ tiền sửa chữa lại ngôi nhà trên. Tuy nhiên, do thời gian quá lâu nên không giữ lại hóa đơn, chứng từ chứng minh sửa chữa. Do vậy, phía bị đơn yêu cầu hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và một số anh em khác.

"Từ nay, nhà ai nấy giỗ"

Kết thúc phiên tòa, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, xác định những người được hưởng di sản thừa kế của ông T., bà X. là 9 người con, mỗi người được 1 tỉ đồng, phần tương đương 1/9 trị giá căn nhà và đất là có căn cứ. Còn về việc ông Thi đòi quyền lợi vì cho rằng ông đã bỏ tiền để sửa chữa nhà thì tòa bác vì không có căn cứ để xem xét, chấp nhận.

Ngồi dưới dự khán phiên tòa, không ít người ngao ngán khi chứng kiến tường tận những màn đấu khẩu nảy lửa, tranh nhau từng chút một giữa những anh chị em trong một gia đình mà trước đó, theo lời kể của bà Thìn, họ đã từng rất yêu thương nhau.

Việc chia tài sản thuộc về ai, ai được bao nhiêu... do HĐXX phán quyết dựa trên những quy định pháp luật, mà tính công bằng đương nhiên phải được bảo đảm. Thế nhưng điều khiến những người có mặt tại phiên tòa đau đáu nhất chính là đằng sau câu chuyện tranh giành ấy còn là cả một sự thật phũ phàng về tình người, đạo lý.

"Ai là người thờ cúng ông bà, cha mẹ?". Đó là câu hỏi được vị chủ tọa phiên tòa đặt ra với các đương sự. Khoảnh khắc ấy, ánh mắt người phán xử cũng ẩn chứa sự chua xót. Có thể sau phiên tòa hôm ấy, 9 anh chị em họ, mỗi người sẽ thu về một số tiền lớn mà tòa gọi tên là quyền lợi nhưng với những ai tình cờ chứng kiến câu chuyện này thì đó là nỗi đắng cay. "Từ nay, nhà ai nấy giỗ!" - câu trả lời gọn lỏn từ cả 2 phe đại diện cho 9 người con, xem như khép lại phiên tòa. Cũng có thể hiểu rằng từ đây, 9 người con cùng cha cùng mẹ, cùng lớn lên dưới một mái nhà, rồi cũng sẽ nhanh chóng trở thành người dưng nước lã.

 

"Ngay sau khi tòa tuyên án, con ông Thi (một thiếu niên) đã thẳng thừng tuyên bố: “Từ nay, tôi không nhận bà Thìn là cô nữa”. Nghe thật xót xa!


Theo Trần Thái (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm