Xã hội

Gia đình

Dự án "Phát triển trẻ thơ toàn diện" tại Gia Lai: Hiệu quả từ cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với các hoạt động thiết thực, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, dự án “Phát triển trẻ thơ toàn diện” (PTTTTD) đã góp phần làm chuyển biến tích cực công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại các địa phương.

Dự án PTTTTD tỉnh Gia Lai được triển khai tại 9 xã thuộc 3 huyện Kbang, Krông Pa, Mang Yang với tổng kinh phí năm 2019 là 538.000 USD (UNICEF tài trợ) và ngân sách đối ứng của địa phương là 1,931 tỷ đồng. Qua thời gian triển khai với 3 hợp phần (Y tế, Giáo dục và Bảo vệ trẻ em), dự án đã tạo được sự quan tâm của cộng đồng, làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ tại cơ sở y tế, trường học, hệ thống bảo vệ trẻ em.

  Tập huấn hướng dẫn viên chương trình  “Làm  cha mẹ  không ai  hoàn hảo”  tại huyện Krông Pa. Ảnh: H.D
Tập huấn hướng dẫn viên chương trình “Làm cha mẹ không ai hoàn hảo” tại huyện Krông Pa. Ảnh: H.D

Năm nay, mục tiêu được UNICEF Việt Nam đặc biệt quan tâm là “Phụ huynh, người chăm sóc và các thành viên cộng đồng tại các xã dự án có kiến thức, kỹ năng tham gia sử dụng dịch vụ PTTTTD có sẵn và thực hành chăm sóc PTTTTD tại gia đình”. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm sẽ có khoảng trên 60% phụ huynh, người chăm sóc trẻ 0-8 tuổi tại 9 xã triển khai dự án thừa nhận lợi ích của PTTTTD, có kiến thức, kỹ năng tham gia sử dụng dịch vụ PTTTTD có sẵn, tự nguyện tham gia sinh hoạt các buổi truyền thông và biết thực hành chăm sóc PTTTTD tại gia đình.

Theo đó, dự án đã triển khai mô hình Câu lạc bộ PTTTTD và Nhóm hướng dẫn viên kỹ năng “Làm cha mẹ không ai hoàn hảo”. Cùng với đó là hoạt động xây dựng mô hình “Thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng”. Ban Quản lý dự án cũng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm, mở các lớp đào tạo IMAM-mô hình quản lý suy dinh dưỡng nặng cấp tính và hồi sức sơ sinh tại phòng sinh. Bên cạnh đó là tăng cường truyền thông về phòng-chống tai nạn thương tích, xâm hại tình dục, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhận chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi.

Ông Phạm Công Thành-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý dự án PTTTTD-cho biết: “Dự án đã nhận được sự quan tâm và vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành. Ngoài việc lồng ghép các mục tiêu PTTTTD cho trẻ 0-8 tuổi vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch ngân sách, các địa phương còn phối hợp triển khai các hoạt động liên quan tới PTTTTD như: phát động “Tháng Hành động vì trẻ em”, khám và đưa trẻ em đi phẫu thuật tim, hàm mặt; tổ chức diễn đàn trẻ em với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề của trẻ em” và tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Trẻ em... Tại các huyện cũng đã phát động “Tháng Hành động vì trẻ em”, tổ chức chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND huyện với trẻ em”.

Trong khi đó, ở hợp phần Y tế, ông Phan Thanh Hội-cán bộ chuyên trách của Ban Quản lý dự án PTTTTD tỉnh-thông tin: Đã có 2 lớp đào tạo về mô hình quản lý suy dinh dưỡng nặng cấp tính IMAM cho 28 cán bộ y tế tuyến huyện, xã và y tế thôn, đồng thời kết hợp điều tra sàng lọc trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng để đưa vào điều trị ngoại trú tại 3 xã dự án của huyện Mang Yang. “Qua sàng lọc đã phát hiện 470 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính vừa và 74 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng, số trẻ này sẽ được các cán bộ y tế theo dõi và có kế hoạch chăm sóc đặc biệt. Bên cạnh đó, cũng đã có 2 lớp đào tạo hồi sức sơ sinh tại phòng sinh (NRP) và ổn định sau hồi sức (STABLE) được tổ chức cho 44 bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, trung tâm y tế của 3 huyện triển khai dự án”-ông Phan Thanh Hội thông tin.

Chị Hnon (làng Ta Dum, xã Ayun, huyện Mang Yang) phấn khởi cho biết: “Tham gia các buổi sinh hoạt và được tuyên truyền các kiến thức về dinh dưỡng cho trẻ em, tôi đã biết cách chăm sóc cho con tốt hơn, biết được nhiều điều về dinh dưỡng, biết ăn sạch, uống sạch để bảo vệ sức khỏe con mình”.

Ở hợp phần Giáo dục, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán đã được tập huấn nâng cao năng lực về tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số cũng như kỹ năng xây dựng mô hình góc thư viện thân thiện. Cùng với đó là triển khai hợp phần bảo vệ trẻ em với hoạt động tập huấn, hướng dẫn giám sát hệ thống bảo vệ trẻ em cho 25 cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em của 9 xã dự án nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát, báo cáo giám sát.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã nảy sinh một số khó khăn. Anh Hyư-Chủ nhiệm Câu lạc bộ PTTTTD xã Ayun (huyện Mang Yang)-chia sẻ: “Chúng tôi thực sự lúng túng, chưa biết cách tổ chức buổi thảo luận như thế nào để thu hút sự tham gia của các ông bố, bà mẹ. Ngoài ra, có nhiều làng cách xa trung tâm xã, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, chưa kể người dân thường đi làm xa ở lại rẫy nên việc vận động bà con tham dự rất khó. Riêng cán bộ xã được phân công điều hành câu lạc bộ thường là kiêm nhiệm nên việc bố trí thời gian tham gia các buổi sinh hoạt chưa đạt yêu cầu”.

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm