Văn hóa

Du ca trên cánh đồng điện gió

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi nhắc đến Gia Lai, ngoài việc chinh phục những ngọn núi lửa đã tắt hàng triệu năm, ghé thăm Biển Hồ mênh mông sóng nước hay lang thang trên thảo nguyên xanh thì điều mong chờ của không ít trái tim sẽ là được một lần chiêm ngắm hoàng hôn trên những cánh đồng điện gió.

1. Ai đó đã từng mê mẩn những thước phim, tấm ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu, Bình Định, Quảng Bình… hay vẻ đẹp của hoàng hôn chiều tà và chẳng thể lý giải được sự yên bình trong mối gắn kết, giao thoa giữa ánh sáng và bóng tối từ những cánh quạt khổng lồ ngoài xa kia. Chúng mang đến cho ta cảm giác thư thái, rộng mở với những đường biên chân trời.

Thực ra, không quá khó vì trong hương xuân dịu nhẹ này, trên cao nguyên Gia Lai, những cánh đồng điện gió được lắp đặt ở vị trí có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đang thu hút du khách gần xa đến tham quan, chụp ảnh. Không chỉ mang đến nguồn năng lượng sạch, những cánh quạt turbine vươn dài trên nền đất đỏ bazan, mênh mông giữa nền trời xanh thẳm còn in dấu và vẽ nên khung cảnh nên thơ như đang ở đất nước Hà Lan với chiếc cối xay gió. Trên cánh đồng điện gió Đak Đoa, tôi tận mắt chứng kiến gã khổng lồ khẽ cựa mình trong khung cảnh chiều buông rực rỡ, sáng rực với sắc tím, cam, hồng. Có hôm, cánh quạt màu phơn phớt tím, lại có bữa rực lên một màu vàng cam phía chân trời và chuyển sang sắc hồng khi mặt trời lặn sâu, rồi dần xuống để lại một nền trời vàng rực. Xa xa là đồi núi hùng vĩ, tất cả tạo nên cảnh tượng đẹp như không gian trong truyện cổ tích.

Cánh đồng điện gió xã Ia Pết, huyện Đak Đoa. Ảnh: Phạm Quý

Cánh đồng điện gió xã Ia Pết, huyện Đak Đoa. Ảnh: Phạm Quý

2. Chia sẻ cảm xúc khi lần đầu đặt chân đến đây, bạn Y Việt Trang (TP. Kon Tum) cho biết: “Mình thật sự choáng ngợp trước những cánh quạt rất to, xoay đều trong gió chiều. Mình đã dừng ở đây khá lâu để ngắm ánh mặt trời lấp ló và chụp ảnh kỷ niệm”. Nổi bật trước khung cảnh hoang sơ là ráng chiều buông dịu dàng trên những bông cỏ đuôi chồn nhẹ đưa theo gió. Mùa này, từng vạt hoa cỏ bung nở giữa nắng gió mênh mang càng tô thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, thu hút, gọi mời bao tâm hồn đam mê “xê dịch” và điểm xuyết cho bức tranh du mục thêm rõ nét. Tôi đã gặp biết bao đồi cỏ đẹp đến ngơ ngẩn nhưng đến khi xác tín bằng một buổi chiều hoàng hôn, trước không gian rộng lớn, trước cảnh đẹp và gió trời lồng lộng trong những xoay bay thì những muộn phiền, âu lo cứ thế mà tan biến.

Còn theo nhiếp ảnh gia Phạm Quý thì: “Với khung hình ngược sáng, điểm nhấn là bóng người đang nhìn ngắm hoàng hôn rực rỡ là một gợi ý săn ảnh hoàng hôn cực chất cho ai muốn chụp ảnh cùng cánh đồng điện gió. Màu hoàng hôn đẹp nhất thường rơi vào khoảng 20-30 phút trước khi mặt trời tắt hẳn. Ngoài ra, với bố cục đường dẫn 1/3 chủ thể chính là mặt trời, bao trùm là cánh đồng điện gió cũng sẽ tạo nên bức ảnh nghệ thuật đặc sắc. Sự phấn khích của khách cũng làm tôi có thêm sáng tạo để khai thác được nhiều góc ảnh đẹp”.

Trong khoảnh khắc ngày dần vơi, mọi thứ như chậm lại, níu giữ. Khung cảnh lúc ấy, tôi thấy mình như đang ở trong một bộ phim, bởi mọi sắc màu và cảnh vật vô cùng rực rỡ. Cho dù đứng cách hàng chục ki lô mét, tôi vẫn có thể nhìn thấy những cánh quạt gió rõ mồn một, cánh quạt quay đều đều như những chong chóng bay giữa khung cảnh đất trời hoang sơ. Hoàng hôn đã hòa vào màu đất, màu của gốc thông già, màu của đất đỏ để cùng nhau quấn quanh, quấn quanh núi đồi. Người sống ở phố như tôi thật sự bị mê hoặc giữa một không gian bạt ngàn, thênh thang, trong không trung tự do mây ngàn. Tôi trở lại phiên bản mới, với tâm trạng hứng khởi, thích thú sau những lần lạc lối giữa cánh đồng điện gió. Tôi tìm thấy tuổi trẻ của mình nơi góc đường gió biếc những bông cỏ tím ngút ngát, thức tỉnh trong hoàng hôn. Trong những khép lại ngày qua, trong buổi chiều tôi đang ở đây, mùa xuân đã đến thật rồi.

Có thể bạn quan tâm