Chăm sóc ruộng lúa. (Nguồn: TTXVN) |
Chiều 29/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến việc sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ triển khai Đề án Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Tôn Thất Sơn Phong, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ nay đến năm 2030, dự kiến cần khoảng 2,7 tỷ USD từ các nguồn vốn để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Tuy nhiên, nguồn lực trong nước hiện chưa được bố trí và rất khó khăn. Việc sớm huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế vô cùng quan trọng và hết sức cấp bách.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động làm việc với nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức SNV của Hà Lan, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI)...
Đến nay, WB đã cam kết cho vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật; IRRI và một số tổ chức khác cam kết tham gia hỗ trợ kỹ thuật.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN) |
Trên cơ sở cam kết của WB, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành đã trực tiếp làm việc với WB, chuyên gia trong nước và quốc tế hoàn thiện dự thảo Dự án Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự thảo dự án dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý 3/2024.
Dự án có 3 hợp phần: phát triển cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp; phát triển và chuyển giao công nghệ; quản lý Dự án. Tổng mức, cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án dự kiến là 430 triệu USD (tương đương 10.363 tỷ đồng); trong đó, khoản vay từ WB là 330 triệu USD (tương đương 7.953 tỷ đồng).
Việc thực hiện dự án sẽ góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Theo ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp của WB, Việt Nam là một trong 3 nước nằm trong top 3 nước xuất khẩu gạo thế giới. Cứ 6 người ăn gạo thì có 1 người ăn gạo Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam và thế giới có một đề án quy mô lớn về sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, giảm phát thải.
Việt Nam đang đứng ở thời điểm vàng để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, định vị lại lúa carbon thấp. Đây là cách để Việt Nam quảng bá, định vị lại thương hiệu gạo Việt Nam, tính trách nhiệm của Việt Nam đối với sản xuất lúa gạo, nâng vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Nhận định Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, ông Cao Thăng Bình tính toán sơ bộ, nếu đầu tư cho cả chương trình khoảng 1 tỷ USD thì sẽ sinh lợi khoảng 4 tỷ USD. Riêng phần giảm chi phí sản xuất, giảm phân bón khoảng 30% đó là lợi ích rất lớn đối với đất nước.
Mặc dù đóng góp này không đưa trực tiếp vào ngân sách nhưng nằm trong người dân rất lớn. Ngoài ra, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao góp phần quản lý tốt môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long thì gánh nặng về kinh tế-xã hội, sức khỏe cộng đồng cũng sẽ tốt hơn.
Việc thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cũng đóng góp vào cam kết của Chính phủ với thế giới là đưa phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào năm 2050 và cắt giảm phát thải khí metan vào cuối năm 2030. Nếu cắt giảm phát thải khí metan thì phải làm dự án lúa gạo, nếu không sẽ không thực hiện được cam kết.
Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, nêu ý kiến về tầm quan trọng của Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN) |
"Tuy số tiền bán tín chỉ carbon không nhiều nhưng rất quan trọng. Nếu Việt Nam không làm lúa giảm phát thải thì sẽ đánh mất cơ hội cho nước khác. Về mặt xã hội, trách nhiệm toàn cầu, môi trường thì Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao rất cần được triển khai, chỉ khó là quy chế thực hiện nhưng vẫn có khả năng làm được. Vì vậy, mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao," chuyên gia của WB đề xuất ý kiến.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, WB cùng trao đổi, thảo luận, tập trung vào các nội dung của Dự án: cơ chế đặc biệt, mô hình tổng thể triển khai, các hạng mục đầu tư, khả năng cân đối, bố trí vốn đối ứng, phương án, kế hoạch dự phòng...
Để Dự án Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long được phê duyệt, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư dự án, được quyền chuyển vốn vay cho địa phương sử dụng và được quyền chuyển nhiệm vụ cho địa phương thực hiện. Và WB cam kết mua toàn bộ tín chỉ carbon từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với mức giá rõ ràng (giống như WB đã mua tín chỉ carbon rừng của Việt Nam).
Hỗ trợ nông dân canh tác lúa chất lượng cao
Hội thảo đầu bờ giống lúa nước chất lượng cao
Đồng bào Bahnar phát triển đồng lúa lớn một giống chất lượng cao
Triển vọng giống lúa chất lượng cao TBR39
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023.
Mục tiêu của Đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.