Kinh tế

Nông nghiệp

Hỗ trợ nông dân canh tác lúa chất lượng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để giúp người dân từng bước thay thế các giống lúa đã bị thoái hóa, từ năm 2022 đến nay, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã dành hơn 5 tỷ đồng triển khai cánh đồng lúa một giống chất lượng cao với diện tích 1.400 ha/4.532 hộ tham gia.

Vụ mùa 2022, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh đã triển khai dự án cánh đồng lúa một giống chất lượng cao J02, HN6, ĐT100 tại các xã: Ia Ka, Ia Khươl, Ia Mơ Nông và Ia Phí. Dự án có quy mô 490 ha với sự tham gia của 1.671 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 1,7 tỷ đồng. Người dân tham gia dự án được hỗ trợ giống lúa mới, vôi bột và tập huấn kỹ thuật. Kết quả, năng suất bình quân đạt 6-7 tấn/ha, cao hơn nhiều so với các giống lúa thuần trước đây.

Ông Siu A Lát (làng Mrông Ngó 3, xã Ia Ka) cho biết: “Năm 2022, khi huyện triển khai dự án cánh đồng lúa một giống chất lượng cao, gia đình tôi được hỗ trợ giống lúa HN6 để gieo sạ 1,5 sào. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc, bón phân hợp lý nên năng suất tăng 20% so với giống lúa cũ. Ngoài ra, giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng gạo dẻo và thơm ngon hơn”.

Người dân xã Ia Ka thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2023-2024. Ảnh: L.N

Người dân xã Ia Ka thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2023-2024. Ảnh: L.N

Theo ông Hoàng Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka: Hàng năm, người dân trên địa bàn xã canh tác hơn 500 ha lúa nước. Do sử dụng giống cũ, tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất lúa thường đạt thấp. “Từ năm 2022, khi người dân được hỗ trợ giống lúa HN6, năng suất đạt hơn 6 tấn/ha, tăng trên 30% so với giống lúa cũ. Khi không còn được Nhà nước hỗ trợ, người dân đã để lại giống lúa cho vụ sau hoặc đến các đại lý để mua lúa giống về gieo sạ. Mô hình này đã góp phần thay đổi phương thức canh tác của người dân, từng bước hướng đến thâm canh lúa bền vững”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka thông tin thêm.

Năm 2023, huyện Chư Păh tiếp tục hỗ trợ giống lúa HN6, ĐT100 cho 1.326 hộ dân ở các xã: Nghĩa Hưng, Chư Đang Ya, Hòa Phú, Đăk Tơ Ver, Hà Tây, Nghĩa Hòa và thị trấn Ia Ly để gieo trồng trên diện tích 490 ha. Tổng kinh phí thực hiện chương trình này là 1,66 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Hiệu-Công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Hòa Phú-cho biết: Vụ mùa 2023, xã có 119 hộ dân được hỗ trợ giống lúa HN6 để gieo trồng 45,5 ha tại các cánh đồng: Ia Ôn, Ia Reng, Ia Djrao và Ia Al. Năng suất lúa bình quân đạt 6,8 tấn/ha, cao hơn so với giống cũ 0,8-1 tấn/ha. “Đặc biệt, gạo HN6 được thương lái ưa chuộng. Chính vì vậy, chúng tôi tuyên truyền, định hướng người dân tiếp tục nhân rộng giống lúa mới này”-ông Hiệu cho hay.

Người dân xã Hòa Phú thu hoạch lúa. Ảnh: L.N

Người dân xã Hòa Phú thu hoạch lúa. Ảnh: L.N

Hàng năm, người dân huyện Chư Păh canh tác 4.152 ha lúa (vụ mùa 2.342 ha, vụ Đông Xuân 1.610 ha, lúa rẫy 200 ha). Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Vụ mùa 2024, huyện tiếp tục triển khai dự án cánh đồng lúa một giống chất lượng cao HN6, BC15 ở các xã: Ia Nhin, Ia Ka, Ia Mơ Nông, Ia Phí, Chư Đang Ya, Ia Kreng và thị trấn Phú Hòa. Tổng diện tích là 420 ha với 1.535 hộ dân tham gia. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 1,66 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, huyện đã triển khai dự án cánh đồng lúa một giống chất lượng cao tại tất cả các xã, thị trấn. Qua đánh giá, các giống lúa mới rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đặc biệt, cho năng suất cao hơn so với giống chủ lực HT1 khoảng 3-5 tạ/ha và cao hơn năng suất trung bình của toàn huyện 4-6 tạ/ha.

“Việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất đã góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là tiền đề để xây dựng thương hiệu lúa gạo Chư Păh và sản phẩm OCOP. Do đó, UBND các xã, thị trấn cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, vận động, tuyên truyền người dân sử dụng giống lúa mới chất lượng cao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bón phân đầy đủ, cân đối để nâng cao năng suất ở các vụ tiếp theo”-ông Sơn cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm