Giáo dục

Tin tức

Dự kiến học sinh trở lại trường chậm nhất vào ngày 14/2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 24/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn về lộ trình mở cửa trường học và phương án, kế hoạch, lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN


Đi học trở lại trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, kế hoạch thí điểm đón khách du lịch giai đoạn 1 triển khai từ tháng 11/2021 tại 5 địa phương, đến tháng 1/2022, có thêm Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Định mở cửa du lịch. Đến hết ngày 23/1/2022, các địa phương này đã đón 8.500 khách quốc tế, chủ yếu đến từ Nga, Hàn Quốc, Singapore, một số ít ở Anh, Mỹ...; cơ bản đảm bảo an toàn dịch bệnh và các quy định thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Qua theo dõi tình hình và họp bàn, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đẩy nhanh việc mở lại các hoạt động du lịch theo lộ trình từ ngày 1/5.

Về việc cho học sinh đi học trở lại trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, đến nay, cả nước có 14 địa phương đang cho học sinh đi học trực tiếp, 30 địa phương học trực tiếp kết hợp trực tuyến, 19 địa phương còn đang học trực tuyến hoặc qua truyền hình. Dự kiến đến 7/2 sẽ có thêm 35 địa phương cho học sinh đi học trực tiếp, nâng tổng số lên 49 địa phương. 14 tỉnh, thành còn lại dự kiến cho học sinh đi học trở lại vào 12/2.

“Với tinh thần quyết tâm của Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, quyết tâm cho học sinh trở lại trường học, muộn nhất ngày 14/2. Tính theo cấp độ ở xã, phường, các cơ sở giáo dục đào tạo nằm trong vùng 1, vùng 2 phải cho các em đến trường”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh

Liên quan đến hai vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh ở một số nước trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp và khó lường do chủng Omicron lây lan nhanh gấp 7 lần so với chủng Delta. Tại Việt Nam, các địa phương vẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Hiện cả nước đã thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ, theo dõi diễn biến chủng Omicron trong nước trên tinh thần không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc học sinh đi học trở lại hoàn toàn có cơ sở, dựa trên tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, số trường hợp bệnh trở nặng, tử vong thấp; kinh nghiệm của các địa phương trong gần 2 năm chống dịch; nhận thức người dân được nâng cao rõ rệt; nhiều biện pháp theo dõi và điều trị sớm người mắc COVID-19… “Quan điểm của Bộ Y tế là cơ bản ủng hộ kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trong dịp Tết chúng ta cần hết sức cảnh giác, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron. Sau Tết Nguyên đán, Bộ Y tế sẽ đánh giá cụ thể tình hình dịch để góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch đưa trẻ trở lại trường”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Thống nhất thời điểm mở cửa du lịch trở lại từ 1/5/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này còn nhiều vấn đề liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn của người tham gia hoạt động du lịch trong nước, trong đó có hộ chiếu vaccine. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5772/QĐ-BYT về Biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine”; tuy nhiên, cần có sự tham gia của các bộ ngành như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kiểm soát người nhập cảnh, đồng nghĩa với việc kiểm soát chủng Omicron vào Việt Nam. “Ngoài hộ chiếu vaccine, du khách quốc tế cần được xét nghiệm tại điểm đến, lưu trú đầu tiên nên dừng lại một thời gian, di chuyển theo lộ trình như kế hoạch”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Sớm ban hành hướng dẫn mới về xác định cấp độ dịch

Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn mới về xác định cấp độ dịch để các địa phương căn cứ triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp khi cho trẻ đi học trở lại hoặc mở cửa hoạt động du lịch. Đồng thời, đây là cơ sở quan trọng để các địa phương thực hiện các biện pháp quản lý hành chính, hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp theo Nghị quyết 128/NQ-CP.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc đưa học sinh sớm trở lại trường, không ràng buộc với điều kiện tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tổ chức diễn tập các phương án xử lý khi có ca mắc COVID-19 trong trường học. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn ngành Giáo dục các địa phương xây dựng lộ trình chi tiết về thi cử, củng cố kiến thức. Việc đưa trẻ trở lại trường phải căn cứ vào cấp độ dịch, bảo đảm quyền lợi của học sinh.

Đại diện một số bộ, ngành đề nghị, cùng với việc mở lại các đường bay thương mại, cần tổ chức các chuyến bay đón người Việt Nam ở nước ngoài về nước, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định như cách ly, xét nghiệm, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người chưa tiêm…

Việc mở lại hoạt động du lịch, đón khách quốc tế phải đồng bộ trên đường bộ, đường biển, đường hàng không, với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao… Bộ Y tế căn cứ vào diễn biến dịch bệnh để hướng dẫn xét nghiệm khách quốc tế đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 nhập cảnh vào Việt Nam. Du khách quốc tế được di chuyển đến các điểm du lịch trong cấp độ dịch cho phép, tuân thủ đầy đủ việc khai báo thông tin tại các cơ sơ lưu trú.

Về lộ trình mở lại toàn bộ hoạt động du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tích cực mở rộng hoạt động thí điểm đón khách quốc tế và có thể đẩy sớm lộ trình nếu điều kiện chín muồi. Cụ thể, những điểm du lịch mà người dân đã hoàn thành tiêm 3 mũi vaccine, có thể đón khách quốc tế. Các tour du lịch có thể thay đổi lộ trình tham quan với điều kiện thông tin đầy đủ cho cơ quan quản lý; kéo dài thời gian ở lại Việt Nam của du khách quốc tế thay vì quy định 1 tuần như hiện nay…

Theo Diệp Trương (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm