Thời sự - Bình luận

Tránh những đề xuất đưa ra rồi rút lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ GD-ĐT cho thấy đã rất cầu thị và lắng nghe dư luận sau những ý kiến, tâm tư xung quanh một số đề xuất gần đây về chính sách đối với nhà giáo, quy chế tuyển sinh THPT…

Tuy nhiên, việc có nhiều đề xuất vừa đưa đã phải rút về cũng gây băn khoăn đối với công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của bộ này.

Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã nỗ lực xây dựng dự luật Nhà giáo với mong muốn giúp "lấp đầy" khoảng trống về pháp lý với nhà giáo, đồng thời nâng vị thế của nhà giáo qua những chính sách đãi ngộ thỏa đáng về tiền lương, phụ cấp, ưu đãi… Với mục tiêu ấy, Bộ GD-ĐT đưa vào dự thảo nhiều đề xuất, quy định liên quan đến nhà giáo. Trong số này, có những đề xuất khiến nhà giáo "nức lòng" như: lương cao nhất; giảm tuổi nghỉ hưu cho nhà giáo mầm non; giữ các chính sách về phụ cấp…

Tuy nhiên, cũng có những quy định khiến nhà giáo thêm hoang mang và vô hình trung phải nhận những "lời ong tiếng ve" của dư luận về "đặc quyền, đặc lợi". Miễn học phí cho con nhà giáo là một trong những đề xuất như vậy, dù mục đích của ban soạn thảo là nhằm tạo ra một "chính sách đột phá", tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cũng như nâng cao vị thế nghề nghiệp…

Nhận quá nhiều những ý kiến góp ý, phản biện của dư luận, mới đây ban soạn thảo đã rút đề xuất nói trên ra khỏi dự thảo luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội vào ít ngày tới.

Trước đó, cơ quan soạn thảo cũng đã rút quy định về việc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo luật Nhà giáo lần thứ 5. Dù đưa ra nhiều lý do nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là đề xuất nhận về nhiều phản ứng. Nhiều ý kiến góp ý được coi là "thấu tình, đạt lý" bởi trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực giảm bớt các thủ tục "hành là chính", cắt các loại "giấy phép con" thì chứng chỉ hành nghề nhà giáo nếu trở thành quy định chính thức sẽ đi ngược lại nỗ lực ấy, khiến giáo viên bất an khi đang giảng dạy lại phải làm thêm "thủ tục" gì đó để có chứng chỉ hành nghề. Người trẻ cũng không chọn vào ngành sư phạm bởi ngoài bằng cấp đạt chuẩn đào tạo, thực hành sư phạm họ lại phải chờ sự "cấp phép" của một đơn vị hành chính nào đó để được hành nghề.

Không chỉ với luật Nhà giáo, một số quyết sách quan trọng khiến các nhà trường, học sinh và phụ huynh đặc biệt quan tâm như quy chế tuyển sinh THPT mới đây cũng khiến xã hội băn khoăn về quá trình xây dựng dự thảo. Điển hình là việc Bộ GD-ĐT phải rút đề xuất "bốc thăm" môn thi thứ 3 vào lớp 10 bởi làn sóng phản ứng dữ dội xen lẫn ngạc nhiên vì một quy định đầy tính "may - rủi" lại được dự kiến đưa vào văn bản quy phạm pháp luật.

Những thay đổi lớn, những chính sách tác động mạnh đến quyền lợi, trách nhiệm của số đông chắc chắn khó tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn mà một cơ quan quản lý cấp bộ liên tục phải rút lại những quy định do không nhận được sự đồng thuận của số đông thì nên xem xét lại sự nghiêm túc, chỉn chu cần có trong quá trình nghiên cứu kinh nghiệm và thực tiễn, đánh giá tác động khi đề xuất một chính sách quan trọng.

Cầu thị hay lắng nghe là cần thiết, nhưng việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không nên và không thể đơn giản theo cách: cứ đề xuất, nếu không được đồng tình thì lại rút về.

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm